Khu đất số 8-12 Lê Duẩn, nơi thực hiện dự án khách sạn năm sao, khu căn hộ cao cấp Lanenue Crown, có lợi thế đặc biệt về thương mại. Vào thời điểm từ năm 2007-2009, UBND TP.HCM có chủ trương thực hiện dự án. Trong đó, yêu cầu không áp dụng hình thức liên doanh, có biện pháp chế tài về tài chính và miễn quyền tham gia dự án đối với các đơn vị bán pháp nhân tham gia dự án.

Tuy nhiên, giữa năm 2011, UBND TP.HCM chấp thuận cho Công ty Lavenue sử dụng khu đất để đầu tư khách sạn cao cấp, thương mại - dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất là 50 năm.

Theo đơn giá thuê đất được duyệt, Lavenue đã nộp đủ số tiền sử dụng đất và nộp tiền thuê đất đến 30 tháng 6 năm 2016 vào ngân sách Nhà nước, hơn 700 tỷ đồng, tương ứng với giá thị trường chỉ hơn 3,5 triệu/m2/năm.

Ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM vướng phải sai phạm tại khu đất số 8-12 Lê Duẩn

Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ xác định khu đất số 8-12 Lê Duẩn có lợi thế đặc biệt về thương mại, do có 3 mặt tiền tiếp giáp các tuyến đường trung tâm quận 1. Đất này cần thiết phải áp dụng đơn giá do Sở Tài chính đề xuất và trình UBND TP.HCM phê duyệt. Với giá thị trường trên mặt đường Lê Duẩn đang ở mức khoảng 400 triệu đồng/m2, nếu đấu giá khu nhà đất này sẽ thu về trên 2.000 tỷ đồng.

Theo cơ quan thanh tra, UBND TP.HCM thời điểm đó có sai phạm trong việc không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản trên đất tại khu đất này. Việc UBND TP.HCM không tham khảo ý kiến tham mưu cơ quan chuyên môn, chưa nhận được sự phản hồi từ các cơ quan chuyên môn đã chấp thuận cho các nhà đầu tư không đủ năng lực tham gia dự án, dẫn đến giảm nguồn thu cho ngân sách; giảm tỷ lệ cổ phần góp vốn của Nhà nước từ 50% xuống còn 20%. Việc làm này có dấu hiệu cố ý làm trái quy định của Nhà nước.

Để xảy ra sai phạm, trách nhiệm chung thuộc về UBND TP, trách nhiệm trực tiếp thuộc về cá nhân ông Nguyễn Thành Tài. Ông Tài đã ký nhiều, ký nhanh các văn bản chấp thuận cho các công ty không đủ năng lực tham gia dự án, dẫn đến chuyển nhượng kiếm lời, gây thất thoát nguồn thu ngân sách.

Cụ thể, ban đầu khi quyết định UBND TPHCM giao cho 5 doanh nghiệp thành lập Công ty Lavenue để triển khai dự án gồm: Công ty QLKDN TP (góp 50% vốn), 4 doanh nghiệp của Bộ Công thương góp 50% vốn.

Với sai phạm của ông Nguyễn Thành Tài và các đồng phạm đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước đến 2.000 tỷ đồng

Theo chỉ đạo của ông Tài, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP HCM, cùng sự yểm trợ của nhiều đơn vị, cá nhân liên quan, dự án 100% vốn Nhà nước đã bị “tư nhân hóa”.

Trong đó, Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô chiếm 50% vốn mua lại của 4 doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương, Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm chiếm 30%, lấy từ 50% của Công ty QLKDN TP, Công ty QLKDN TP chỉ còn lại 20%.

Nhiều tài liệu, chứng cứ cho thấy “bộ ba” ông Tài - bà Thúy - bà Thủy có quan hệ “mắt xích”, gắn kết chặt chẽ.

Theo đó, ngày 23 tháng 7 năm 2010, Giám đốc Thủy ký Văn bản số 4996/QLKDN-KHĐT gửi UBNDTP, đề xuất việc “huy động vốn” cho dự án. Chỉ 3 ngày sau, ông Tài duyệt chấp thuận, thể hiện tại Văn bản số 5425/VP-ĐTMT ngày 26 tháng 7 năm 2010. Tin “nóng” này lập tức được truyền tới bà Thúy.

Tiếp đó, ngày 6 tháng 8 năm 2010, Công ty Hoa Tháng Năm có văn bản gửi Công ty QLKDN TP, đề nghị hợp tác đầu tư. Không cần thẩm định về năng lực chuyên môn, tài chính của doanh nghiệp, bà Thủy ký ngay Văn bản số 5270/QLKDN-KHĐT ngày 11 tháng 8 năm 2010, đề nghị cho Công ty Hoa Tháng Năm tham gia đầu tư góp 30% vốn vào dự án. Một lần nữa, đề xuất của bà Thủy lại được ông Tài chấp thuận bằng Văn bản số 6025/VP-ĐTMT ngày 17 tháng 8 năm 2010.

Như vậy, với sự sốt sắng của bà Thủy và chấp thuận nhanh của ông Tài, bà Thúy dễ dàng có trong tay 30% cổ phần dự án, được cắt ra từ 50% cổ phần của Công ty QLKDN TP. Nếu tính theo giá hời, 50% cổ phần của 4 doanh nghiệp Bộ Công thương bán cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô 200 tỷ đồng, thì bà Thủy đã “biếu không” cho bà Thúy 120 tỷ đồng, là tài sản của Nhà nước.

Cặp đôi Thúy - Thủy phối hợp rất ăn ý trong việc biến đất công thành đất tư nhân dẫn đến thiệt hai lớn cho ngân sách nhà nước

Mới đây, UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định số 5671 về việc thu hồi khu “đất vàng” diện tích gần 5.000m2 ở số 8-12 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM.

Quyết định thu hồi nêu rõ gần 5.000m2 đất số 8–12 Lê Duẩn được giao, cho thuê không đúng đối tượng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, đã được Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến kết luận tại thông báo số 249 ngày 18tháng 7 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ.

Theo tường trình của ông Tài, thời điểm đó, 4 doanh nghiệp quốc doanh thuộc Bộ Công Thương đã “lật kèo”, đi bán toàn bộ cho Công ty Kinh Đô.

"Đây chính là thiếu sót của tôi, vì không lường trước được hệ quả, mà chỉ suy nghĩ theo chiều thuận lợi", cựu Chủ tịch TP.HCM nói.

Hôm 31 tháng 7 năm 2020, VKSND tối cao đã hoàn tất cáo trạng bổ sung vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" xảy ra tại khu đất "vàng" số 8-12 Lê Duẩn.

TAND TP.HCM đã đưa thời gian xét xử dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 16 tháng 8 đến ngày 21 tháng 8 năm 2020.