Ông Tuyến, ông Tuấn sai phạm những gì và liên quan thế nào đến Sagri thời ông Lê Tấn Hùng làm tổng giám đốc

Ngày 11 tháng 7, ông Trần Vĩnh Tuyến và cựu Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Trần Trọng Tuấn bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) khởi tố, sau một năm điều tra ông Lê Tấn Hùng (57 tuổi, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Sagri) và đồng phạm về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Tham ô tài sản.

Ông Tuyến bị cho là đã ký quyết định chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng dự án khu nhà ở Phước Long B, quận 9, cho Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú với giá hơn 168 tỷ đồng (tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2), thấp hơn giá thị trường, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà nước. Quyết định này được ông Tuyến căn cứ vào tờ trình tham mưu, đề xuất của Sở Xây dựng do Trần Trọng Tuấn ký.

Ông Trần Vĩnh Tuyến đã ký quyết định chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng dự án cho Công ty Phong Phú khiến ông bị khởi tố hôm 11 tháng 07 năm 2020

Kết luận của Thanh tra TP HCM cho thấy, giao dịch của Sagri diễn ra năm 2016 (ông Lê Tấn Hùng là Tổng giám đốc), giá chuyển nhượng trên còn thấp hơn giá Tổng công ty Cổ phần Phong Phú huy động vốn từ khách hàng 3 năm trước (gần 14 triệu đồng/m2) và thấp hơn giá chuyển nhượng của dự án liền kề (hơn 29 triệu đồng/m2).

Trong dự án này, Sagri sử dụng 3,75 ha đất hợp tác với giá trị vốn góp có tỷ lệ 28%, Tổng công ty Cổ phần Phong Phú là 72%. Kết luận thanh tra đánh giá, Sagri chuyển nhượng vốn góp (thực chất là chuyển quyền sử dụng đất tại dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật) cho Tổng công ty Cổ phần Phong Phú nhưng không qua đấu giá để xác định giá trị thị trường là vi phạm Nghị định 91/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Việc Sagri không thuê thẩm định giá khi chuyển nhượng dự án là vi phạm Nghị định 91/2015 của Chính phủ; ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tổng công ty Cổ phần Phong Phú trong việc phân chia lợi nhuận (tỷ lệ cố định mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh) là không đảm bảo quyền lợi cho Sagri.

Liên quan đến dự án này, Sở Xây dựng (Giám đốc là ông Trần Trọng Tuấn) đã tham mưu cho UBND TP HCM (ông Trần Vĩnh Tuyến là Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực đô thị), khẳng định việc chuyển nhượng dự án đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định và kiến nghị UBND thành phố chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng dự án. Từ tờ trình của Sở Xây dựng, ông Trần Vĩnh Tuyến đã ký quyết định chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng dự án cho Công ty Phong Phú.

Ông Trần Vĩnh Tuyến (trái) và ông Trần Trọng Tuấn bị khởi tố hôm 11 tháng 07 năm 2020 với cùng tội danh theo Điều 219 BLHS 2015

Đến ngày 19 tháng 7 năm 2016, UBND TP HCM đã có quyết định thu hồi và hủy bỏ quyết định trước đây đã chấp thuận cho chuyển nhượng dự án. Sagri và Tổng công ty Cổ phần Phong Phú phải trả, chuyển giao những gì đã nhận của nhau trước đây và "cam kết không thắc mắc khiếu nại gì về sau".

Tuy nhiên, việc này đã không được thực hiện do Bộ Công an đã vào cuộc điều tra, bắt tạm giam ông Lê Tấn Hùng.

Hành vi của các ông Trần Vĩnh Tuyến, Trần Trọng Tuấn bị cáo buộc tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãnh phí theo Điều 219 BLHS 2015.

Ông Lê Tấn Hùng “tạo điều kiện” để Tập đoàn Trung Thủy của CEO Nguyễn Trung Tín hợp tác và dẫn đến những sai phạm gì?

Dưới thời ông Lê Tấn Hùng, Sagri có nhiều giao dịch, hợp tác làm ăn với Tập đoàn Trung Thuỷ.

Theo Kiểm toán Nhà nước, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nông Lâm Hải sản (100% vốn của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn) đã ký 10 hợp đồng góp vốn thành lập pháp nhân mới để hợp tác đầu tư trên 24 khu đất có tổng diện tích hơn 1.900 ha.

Trong số hơn 1.900 ha đất nói trên, Tổng công ty đã bàn giao đất và tài sản trên đất của Công ty TNHH MTV Bò sữa Tp.HCM (Công ty con của Sagri) cho Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sagri là 140 ha.

Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thuỷ Sagri là công ty con được thành lập do Tập đoàn Trung Thuỷ nắm 64% còn Sagri nắm 36%. Công ty có vốn điều lệ 223 tỷ đồng. Doanh nghiệp này được thành lập dựa trên hợp tác giữa Trung Thuỷ và Sagri để thực hiện Dự án nông nghiệp công nghệ cao ở Củ Chi, với điện tích 650 ha đất và vốn đầu tư khoảng 820 tỷ đồng.

Dự án Lancaster Lincoln một trong những dự án thuộc họ "Lancaster" của Tập đoàn Trung Thủy, được biếu tấu với chiêu hợp tác đầu tư trong bài tính biến đất công thành sở hữu riêng

Phía Tập đoàn Trung Thủy cam kết tự nguyện cho Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn vay toàn bộ tiền góp vào vốn điều lệ ban đầu liên doanh nói trên và không tính lãi. Theo hợp đồng hợp tác này, bên Trung Thủy thanh toán cho Sagri chi phí đầu tư vào đất còn lại tạm tính 500 triệu đồng/ha.

Việc hợp tác này bị Kiểm toán Nhà nước cho rằng không đúng quy định của Thủ tướng và quyết định của UBND Tp.HCM (Quyết định 5039/2013) về công nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM. Cụ thể, Quyết định 5039 của UBND TP.HCM có quy định là "không được cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất dưới bất kỳ hình thức nào.”

Ông Lê Tấn Hùng, Tổng giám đốc Sagri đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để Trung Thủy lấy rất nhiều quỹ đất công sai nguyên tắc và thất thoát, thiệt hại rất lớn cho Nhà nước

Vì thế, Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu Sagri thanh lý hợp đồng với Trung Thuỷ Group về việc góp vốn thành lập pháp nhân mới là Trung Thuỷ Sagri, do thuộc lĩnh vực không được phép đầu tư.

Năm 2016, Trung Thuỷ và Sagri cũng có thương vụ hợp tác dự án cao ốc văn phòng 195 Điện Biên Phủ có quy mô 1.398 m2, với tổng mức đầu tư 146 tỷ đồng. Thời hạn hợp tác là 20 năm. Hiện dự án đã hoàn thành và đi vào khai thác với tên gọi DreamPlex 2.

Ngoài ra, Sagri còn thành lập nhiều pháp nhân có liên quan đến Trung Thuỷ thực như Công ty TNHH Trung Thủy Lancaster, Lancaster Tân Thuận…để thực hiện loạt dự án trên các khu đất vàng rộng hàng trăm ngàn m2 tại TP.HCM.

Được biết, Tập đoàn Trung Thuỷ do bà Dương Thanh Thuỷ thành lập năm 1994, ban đầu kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, nổi tiếng với thương hiệu Miss Aodai.

CEO Nguyễn Trung Tín được biết đến khi được tiếp kiến Tổng thống Obama trong chuyến công du sang Việt Nam

Năm 2003 thì tập đoàn này chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản. Cũng từ đó, Trung Thuỷ cho ra đời loạt chung cư, dự án bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp ở nhiều vị trí đắc địa tại TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh ven biển.

Trước đó, dù là một đại gia trong lĩnh vực bất động sản nhưng Trung Thuỷ khá kín tiếng với truyền thông.

Doanh nghiệp này chỉ thực sự gây sốt khi Dreamplex tiếp đón Tổng thống Obama khi ông qua Việt Nam công du và doanh nhân trẻ Nguyễn Trung Tín, con trai của bà Dương Thanh Thuỷ kết hôn với hoa hậu Việt Nam Đặng Thu Thảo.

Sau đó, Trung Thủy nổi lên sau khi ông Lê Tấn Hùng bị bắt vì những sự hợp tác liên quan giữa Trung Thủy và Sagri được cơ quan điều tra công bố.

Kỳ 3: "Quan lộ" của Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến và nguyên Bí thư quận 3, Trần Trọng Tuấn trước khi bị khởi tố