Ngân hàng Nhà nước sẽ nới hạn mức tín dụng nếu cần thiết - Ảnh 1.

Phó thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo tổ chức hôm nay

Ý kiến này được đưa ra tại hội thảo “Lựa chọn chính sách phục hồi kinh tế Việt Nam giai đoạn COVID-19” ngày 20-5 do Trường đại học Kinh tế - luật (UEL) và Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng ĐHQG TP.HCM đồng tổ chức.

Theo ông Tú, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, coi ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng là hai vấn đề xương sống, "không bên nào nhẹ hơn bên nào", đi cùng là mở rộng tín dụng để duy trì phát triển kinh tế.

Có nhiều kịch bản tăng trưởng, tùy thuộc vào diễn biến của dịch COVID-19. Nếu dịch kết thúc ngay có thể đạt tăng trưởng 4,2-4,4%, khả quan nhất 4,6%. Nếu dịch quay lại thì năm nay có thể chỉ tăng trưởng từ 3,6-3,8%. 

"Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đưa ra hạn mức tăng trưởng tín dụng là 13-14%. Tuy nhiên hạn mức đó được đưa ra thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19. Còn hiện nay nền kinh tế khó khăn do vừa trải qua đại dịch COVID-19. Tình hình đã khác, nhiều doanh nghiệp có những khoản vay trước đây chưa trả được nợ nhưng muốn vay thêm để duy trì hoạt động. 

Về phía Ngân hàng Nhà nước sẽ cam kết đáp ứng đủ vốn cho nền kinh tế. Cần thiết thì sẽ nới thêm hạn mức tín dụng, tạo khả năng cho vay cho các ngân hàng", ông Tú khẳng định.

Tuy nhiên ông Tú cũng lưu ý rằng các ngân hàng sẽ không hạ chuẩn cho vay vì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, khi đó việc vực dậy một ngân hàng "dặt dẹo" sẽ khó hơn hồi phục doanh nghiệp khó khăn gấp nhiều lần.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương nhận định qua đại dịch, các chính sách phục hồi và điều hành kinh tế sẽ không như trước đây.

Theo phân tích của Bộ Kế hoạch và đầu tư, hiện mọi chính sách kinh tế đều trông chờ vào diễn biến dịch. Do đó, tất cả các kế hoạch do Bộ Kế hoạch và đầu tư đưa ra đều mang tính chất dự báo.

Trong các chính sách do Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị, ông Phương cho rằng tất cả đều ưu tiên phòng chống dịch bệnh trước các chính sách kinh tế vì "nếu không thành công trong kiểm soát dịch COVID-19 các chính sách đều đổ bể".

Trong bối cảnh hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đều áp dụng hàng loạt chính sách phong tỏa, cách ly, hạn chế đi lại..., theo ông Phương, quốc gia nào kiểm soát dịch nhanh, tốt nhất sẽ có cơ hội phục hồi kinh tế tốt hơn các quốc gia khác và khả năng tái khởi động kinh doanh của doanh nghiệp cũng tương tự.

Việt Nam, theo ông Phương, hiện kiểm soát dịch tương đối tốt trong nội địa, tuy nhiên với nước ngoài vẫn phải rất cẩn trọng, kiên định trong các chính sách phòng chống vì chỉ cần mở một chuyến bay không kiểm soát từ quốc tế vào nội địa, khả năng phải áp dụng chính sách tiếp tục cách ly, phong tỏa, hạn chế đi lại... kéo theo sự đình trệ trong nền kinh tế.

Ông Phương cho rằng cần tính đến các chính sách chưa từng có trong tiền lệ vì dịch COVID-19 là "cuộc khủng hoảng lạ lùng nhất", khác hẳn các cuộc suy thoái và khủng hoảng kinh tế trước đây, nên "cần có những chính sách chưa từng có để phù hợp với bối cảnh hiện tại".

Thứ trưởng Phương cho biết sắp tới đây Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ cùng các bộ, ngành trình Chính phủ một nghị quyết nữa với các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội sâu hơn, nặng hơn, thẩm quyền cao hơn, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như tập trung vào các giải pháp đầu tư công.