noxh-1-1734139149.png

TP HCM chỉ có 10 dự án nhà ở xã hội từ năm 2021 cho đến nay.

Còn nhiều rào cản

Báo cáo của Sở Xây dựng TP HCM cho thấy, từ năm 2021 cho đến nay, thành phố chỉ có 10 dự án nhà ở xã hội, trong đó 6 dự án đã hoàn thành, 4 dự án đang triển khai thi công với tổng số gần 6.000 căn nhà.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng việc giải quyết vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân và các đối tượng khó khăn trên địa bàn còn không ít trở ngại. Mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp như rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư hay đưa ra nhiều thiết kế mẫu nhà ở xã hội nhằm giảm chi phí, song việc triển khai vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu hiện hữu.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA thừa nhận một trong những khó khăn chính là sự thiếu hụt quỹ đất phù hợp để triển khai các dự án. Dù có quy định dành 20% diện tích đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội nhưng thực tế quy trình áp dụng còn gặp vướng mắc do khâu phối hợp giữa các cơ quan chức năng.

Không chỉ vậy, việc huy động vốn đầu tư cho loại hình này, đặc biệt là các dự án cho thuê cũng đang gặp khó khăn. Tuy gói tín dụng ưu đãi trị giá 120.000 tỷ đồng đã được triển khai từ năm 2023, nhiều chủ đầu tư hiện nay vẫn khó tiếp cận vốn bởi thiếu các cơ chế tín dụng đặc thù.

noxh-2-1734139063.png

Việc huy động vốn đầu tư cho nhà ở xã hội hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành chia sẻ rằng các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội hiện đang phải tự bỏ vốn đầu tư và đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình thanh kiểm tra, phê duyệt dự án.

Cần cơ chế linh hoạt hơn

Trước thực trạng trên, ông Châu đề xuất thành phố cần xây dựng các chính sách và cơ chế linh hoạt hơn trong việc tạo lập và sử dụng quỹ đất. Hiện nay, có những khu đất chưa được giải phóng mặt bằng, phù hợp với quy hoạch phát triển nhà ở xã hội. Việc giải quyết các thủ tục pháp lý và cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là yếu tố then chốt để triển khai các dự án.

Bên cạnh đó, ông Châu đề xuất các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với nhau để tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bất động sản triển khai dự án nhanh chóng. Việc rút ngắn thủ tục đầu tư, đồng thời tạo điều kiện cho các chủ đầu tư tiếp cận nguồn đất sạch và thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là những giải pháp quan trọng cần được thực hiện ngay.

Ngoài ra, thành phố có thể áp dụng các chính sách hỗ trợ như miễn giảm thuế cho các dự án nhà ở chỉ cho thuê, tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Các chính sách này không chỉ giúp giảm chi phí cho các chủ đầu tư mà còn giúp người dân có thu nhập thấp tiếp cận được nhà ở với giá thuê hợp lý.

Ông Nghĩa cũng đề xuất các gói ưu đãi tín dụng đặc biệt dành cho cả chủ đầu tư và người mua nhà nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp hơn tham gia phân khúc nhà ở xã hội.

Để phát triển mạnh mẽ phân khúc này, sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân là yếu tố then chốt. Các cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển dự án một cách minh bạch và hiệu quả.

Ông Nghĩa nhấn mạnh, việc xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ, đồng thời cho phép chuyển nhượng linh hoạt sẽ giúp nguồn lực được sử dụng hiệu quả và giảm thiểu tình trạng đầu cơ.