Theo đó, 200 công ty được Forbes Asia lựa chọn trong tổng số 18.000 công ty đại chúng hoặc niêm yết tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương dựa trên các tiêu chí đánh giá định lượng và định tính, ưu tiên tính đa dạng ngành nghề và quốc gia. Các công ty có doanh thu thường niên trong khoảng trên 10 triệu và dưới 1 tỉ USD.

Các công ty được vinh danh đã vượt trội hơn hẳn đối thủ về doanh thu, tăng trưởng lợi nhuận, kiểm soát mức nợ và quản trị doanh nghiệp tốt, nhờ đó đạt được kết quả kinh doanh lạc quan bất chấp bối cảnh kinh tế khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát Đạt

6 công ty Việt Nam trong danh sách này gồm công ty cổ phần bất động sản Thế kỷ (CRE), công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt (PDR), công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre (DHC), công ty cổ phần Nam Việt (ANV), công ty cổ phần dịch vụ Hàng không Taseco (AST) và công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long (TLG).

Quy mô doanh thu năm của các công ty Việt trong danh sách từ 49-193 triệu USD trong khi thu nhập ròng 8-36 triệu USD. Dẫn đầu là Nam Việt với 193 triệu USD, trong khi PDR có lợi nhuận ròng cao nhất với 36 triệu USD và dẫn đầu vốn hóa với 387 triệu USD.

Phát Đạt là nhà phát triển bất động sản với quỹ đất tập trung tại TP.HCM. Doanh thu 146 triệu USD và dẫn đầu lợi nhuận trong 6 công ty với 36 triệu USD.

Danh sách cũng ghi nhận hai đại diện trong lĩnh vực gia dụng là Đông Hải Bến Tre (giấy), Thiên Long (bút viết, văn phòng phẩm).

Thiên Long được nhắc đến với 60% thị phần bút viết trong nước. Trong lịch sử hoạt động đến năm 2019, công ty đạt hiệu quả ấn tượng. Năm ngoái doanh thu TLG 3.252 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 349 tỉ đồng, tăng lần lượt 14% và 18,7% so với năm trước.

Thông tin trong danh sách 200 được lấy từ dữ liệu thường niên kết thúc ngày 7 tháng 7 và không thể hiện được toàn cảnh ảnh hưởng của đại dịch. Danh sách cũng xác định các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh dài hạn bền vững thông qua hàng loạt chỉ số.

Dự án Nhơn Hội New City tại Bình Định mang lại nguồn thu lớn cho PDR giúp công ty lọt vào top 200 của châu Á.

Để duy trì đà tăng trưởng, mới đây, hôm 15 tháng 8, HĐQT Bất động sản Phát Đạt (PDR) vừa thông qua việc góp vốn thành lập CTCP Đầu tư và Phát triển Khu Công nghiệp Phát Đạt với vốn điều lệ 680 tỷ đồng, trong đó PDR sở hữu 68% vốn. Bà Trần Thị Hường, Phó Chủ tịch HĐQT PDR sẽ làm người đại diện theo ủy quyền quản lý toàn bộ phần vốn góp tại CTCP Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Phát Đạt được toàn quyền thay mặt HĐQT quyết định tất cả các nội dung liên quan đến việc đầu tư và phát triển Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ, bao gồm tìm kiếm địa điểm, quỹ đất, lựa chọn đối tác, quyết định giá nhận chuyển nhượng và giá thuê đất...

Tính đến 30/6/2020, tổng tài sản PDR ở mức 14.319 tỷ đồng, chủ yếu là hàng tồn và phải thu, số dư tiền mặt chỉ còn vỏn vẹn vài trăm triệu. Dư nợ vay ngân hàng ngắn hạn 1.718 tỷ đồng, PDR đẩy mạnh kênh trái phiếu với hàng ngàn tỷ đồng.