Trong báo cáo công bố mới đây, Dragon Capital đánh giá việc VN-Index giảm 2,8% trong tháng 7 không phản ánh toàn bộ sự biến động của thị trường trong ngắn hạn.

Tuần cuối tháng 7, tâm lí thị trường trở nên bi quan trước thông tin về sự tái bùng phát dịch COVID-19 tại Đà Nẵng sau khi Việt Nam trải qua hơn 3 tháng không có ca nhiễm trong cộng đồng. Do đó, cổ phiếu bị bán tháo mạnh, VN-Index mất mốc 800 điểm và chạm mức thấp nhất 3 tháng.

VN-INdex đã tăng hơn 6% trong 10 ngày đầu tháng 8 do Ngân hàng nhà nước (NHNN) công bố quyết định cắt giảm thêm lãi suất. Sau đó, thị trường quay đầu giảm nhẹ khi nhà đầu tư chốt lời.

Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital tin tưởng vào bức tranh của kinh tế vĩ mô Việt Nam cho dù phải đối mặt với Covid 19

Các nhà đầu tư cá nhân tỏ ra thận trọng trước tình hình một số khu vực phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội mặc dù chính phủ đã cố gắng hạn chế sự gián đoạn đối với nền kinh tế đang trên đà phục hồi.

Dragon Capital đang theo dõi chặt chẽ lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là về mặt chất lượng tài sản. Với việc phòng ngừa rủi ro và trích lập dự phòng nghiêm ngặt, các ngân hàng đã chuẩn bị tốt để giải quyết rủi ro ngắn hạn mà không phải đối mặt với bất kì rủi ro hệ thống nào. Nhìn chung, các công ty đang ở một vị thế vững chắc để vượt qua thời kì suy thoái hiện tại.

Tuy nhiên, theo Dragon Capital, tình hình hiện tại là lúc để đánh giá sức khỏe doanh nghiệp hơn là tăng trưởng. Các hãng hàng không, đã có lúc đứng trên bờ vực phá sản, ghi nhận thanh khoản được cải thiện nhờ sự phục hồi của du lịch nội địa trong những tháng gần đây.

Số dư tiền mặt hiện tại đủ để các hãng hàng không tồn tại trong ít nhất 6 - 12 tháng nữa và chính phủ cũng dự kiến sẽ sớm đưa ra các biện pháp hỗ trợ đáng kể cho Vietnam Airlines. Tỉ lệ thanh toán lãi vay ở mức ổn định do các công ty ưu tiên dòng tiền hơn lợi nhuận trong môi trường vĩ mô đầy thách thức này.

Với yếu tố vĩ mô, sự phục hồi kinh tế tăng tốc vào đầu tháng 7 khi dữ liệu vĩ mô cho thấy du lịch trong nước, doanh số bán lẻ và xuất khẩu tăng mạnh.

Du lịch trong nước dẫn đầu đà tăng trưởng khi vào lúc cao điểm, các chuyến bay nội địa đạt hơn 600 chuyến bay/ngày, vượt mức Tết Nguyên đán 2020 và đánh dấu sự phục hồi mạnh nhất trên thế giới đối với hàng không nội địa. Do đó, doanh thu bán lẻ trong lĩnh vực du lịch tăng 29,6% so với tháng trước, đưa tổng doanh thu bán lẻ tăng 3,3%.

Sự trở lại đột ngột của đại dịch COVID-19 trong tuần cuối tháng 7 khiến các chỉ số vĩ mô sụt giảm mạnh tuy nhiên tình hình tài chính vẫn ổn định do Việt Nam đồng tăng giá và chính phủ đã có những động thái hỗ trợ kịp thời.

NHNN đã đề xuất nới lỏng các qui định về tỉ lệ an toàn vốn và giảm lãi suất đối với tiền gửi dự trữ 50 điểm xuống 0,5%/năm, đồng thời khuyến khích giảm lãi suất huy động và cho vay.

Cùng với đó, chính phủ cũng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư khi đầu tư công trong tháng 7 tăng 29,4% so với cùng kì.

Với kì vọng chính phủ có thể ngăn chặn được dịch bệnh hiệu quả cùng nỗ lực đạt được các mục tiêu kinh tế, Dragon Capital dự báo GDP của Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng 1,5 - 2% trong năm nay, giảm so với dự báo tăng 3 - 4% trước đó.