Dự án Saigon One Tower nằm ngay góc đường Hàm Nghi – Tôn Đức Thắng – Võ Văn Kiệt (quận 1) do CTCP Địa ốc Sài Gòn M&C (Sài Gòn M&C) làm chủ đầu tư, có tổng vốn lên tới 256 triệu USD được đánh giá sở hữu vị trí vô cùng đắc địa.

Dự án có khuôn viên hơn 6.672 m2, mật độ xây dựng 46% với quy mô 41 tầng (không tính 5 tầng hầm và 3 tầng kỹ thuật). Theo thiết kế, công trình cao 185 m, gồm khu căn hộ 180 căn và khu văn phòng.

Chủ đầu tư dự án là CTCP Sài Gòn One Tower, liên doanh của CTCP M&C, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn – Saigontourist, Ngân hàng TMCP Đông Á, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á và CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ.

Saigon One Tower vừa được một doanh nghiệp mới toanh với vốn điều lệ chỉ 300 triệu đồng đăng ký xin tái đầu tư gây chú ý của dư luận.

Khởi công xây dựng từ năm 2007, dự án được kỳ vọng tạo tiếng vang và trở thành một trong những tòa cao ốc biểu tượng tại Sài Gòn. Theo dự kiến ban đầu, đây sẽ là tòa nhà cao thứ 3 tại TP.HCM khi hoàn thành vào năm 2009 – cao trên 195 m.

Dự án này được sở hữu chính bởi đại gia kín tiếng Phùng Ngọc Khánh, ông chủ của CTCP M&C.

Trong phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến Ngân hàng Đông Á, những chi tiết liên quan đến ông Khánh đã được cơ quan điều tra làm sáng tỏ. Theo đó, để có tiền thực hiện dự án Saigon One Tower và đầu tư cho các dự án khác, từ năm 2007 đến 2013, Phùng Ngọc Khánh đặt vấn đề với ông Trần Phương Bình (Chủ tịch HĐTD, Tổng giám đốc DAB) sử dụng pháp nhân của 11 công ty do Khánh thành lập và 10 cá nhân (là người quen, nhân viên) để vay DAB hơn 7.106 tỷ đồng.

Đến năm 2011, công trình hoàn thành hơn 80% hạng mục thì phải "đắp chiếu" do ông Khánh và các đối tác không còn khả năng tài chính. Khoản nợ đầu tư cho dự án tại DAB và các tổ chức tín dụng ngày càng lớn, không có khả năng trả cả vốn lẫn lãi.

Mới đây, dư luận xôn xao khi CTCP Di sản quốc tế Hồ Tràm đăng ký với UBND TP.HCM về việc xin đầu tư dự án. Nên biết, Saigon One Tower đã dừng thi công cả thập kỷ, pháp lý còn ngổn ngang, một vài ông lớn địa ốc từng bày tỏ sự quan tâm nhưng không đi đến đâu. Trong bối cảnh đó, đề xuất của CTCP Di sản quốc tế Hồ Tràm nhận được sự chú ý từ giới địa ốc TP.HCM.

Về Di sản quốc tế Hồ Tràm được thành lập vào ngày 22/11/2019, đóng trụ sở tại 33 Đường số 8, Khu phố 4, phường Bình An, quận 2, TP.HCM, Việt Nam. Ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà để ở.

Tại thời điểm mới thành lập, vốn điều lệ doanh nghiệp đăng ký là 300 triệu đồng. Cơ cấu cổ đông gồm: Nguyễn Quốc Long (50%), ông cũng đồng thời là Giám đốc/Người đại diện theo pháp luật, Lê Nguyên Thành (30%) và Lê Quang Ngọc (20%).

Dù vậy, tới cuối năm 2019, vốn thực góp của các cổ đông chỉ là 10 triệu đồng, tổng tài sản chỉ ở mức vỏn vẹn 8,94 triệu đồng.

Những thông tin này không khỏi dẫn tới những băn khoăn lớn về Di sản quốc tế Hồ Tràm, cũng như tính khả thi của đề xuất đầu tư hồi sinh dự án Saigon One Tower, biết thêm rằng ngoài Di sản quốc tế Hồ Tràm, ông Nguyễn Quốc Long cũng đang đứng tên tại CTCP Du lịch Hồ Tràm và CTCP Quốc tế Hồ Tràm. Trong đó, Du lịch Hồ Tràm không hoạt động tại địa chỉ đăng ký; còn Quốc tế Hồ Tràm đã ngừng hoạt động.

Vào năm 2014, CTCP Du lịch Hồ Tràm từng gây chú ý của dư luận khi công bố ký kết cùng Công ty Dragon Best International (trụ sở Hồng Kông) hợp đồng nguyên tắc về việc tham gia đầu tư vào 3 dự án lớn ở Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lên tới 100 tỷ USD.

Đó là Dự án Khu trung tâm phức hợp thương mại, tài chính, khách sạn, khu nhà ở, trung tâm hội nghị quốc tế tại Ba Son và Tân Cảng (TP.HCM), tổng vốn đầu tư 32 tỷ USD; dự án Khu du lịch sinh thái quốc tế Hồ Tràm và mở rộng thị trấn Phước Bửu tại huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), tổng vốn đầu tư 18 tỷ USD và dự án Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y, tổng vốn đầu tư lên đến 50 tỷ USD.

Tuy nhiên, tất cả những dự án nêu trên vẫn chỉ là tồn tại ở dạng hợp tác ghi nhớ và chỉ nằm trên giấy.