Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 20 năm hình thành và phát triển. Nhìn lại, tổng giá trị huy động thông qua phát hành thêm trên thị trường cổ phiếu kể từ năm 2000 đến nay ước đạt hơn 295 ngàn tỷ đồng với 834 đợt phát hành, trong đó, giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế 2010-2015 mức huy động tăng hơn 5 lần so với giai đoạn 2004-2009.
Danh mục sản phẩm cũng được hoàn thiện với danh mục phát triển sang chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (Quỹ ETF VFM VN30 được niêm yết và giao dịch đầu tiên trên Sở vào năm 2014, tiếp đến là Quỹ ETF SSIAM VNX50 niêm yết vào năm 2017, ETF SSIAM VNFinLead, ETF VFM VNDiamond niêm yết vào năm 2020) và chứng quyền có bảo đảm (tháng 6/2019).
Tính đến ngày 30/6/2020, HoSE có 380 mã cổ phiếu niêm yết, 3 chứng chỉ quỹ đóng, 4 chứng chỉ quỹ ETF, 43 trái phiếu và 76 mã chứng quyền có bảo đảm đang niêm yết. Tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt trên 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm trên 90% giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cả nước, tương đương 57% GDP. Có 74 công ty chứng khoán thành viên với hơn 2,3 triệu tài khoản của nhà đầu tư.
Còn non trẻ khi mà vốn hoá và thanh khoản chỉ bằng 1/9-1/5 các nước lân cận
Mỹ là thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới, gấp 1/5 giá trị vốn hoá của Trung Quốc.Nhiều thị trường châu Âu chỉ chiếm từ 1-3% giá trị vốn hoá toàn cầu
Mặc dù vậy, TTCK Việt Nam theo nhận định vẫn còn non trẻ khi mà khoảng cách với các Sở trong khu vực vẫn còn khá xa. Quy mô vốn hóa thị trường Việt Nam mới gần bằng 1/5 thị trường Phillippines, 1/7 thị trường Indonesia và 1/8 thị trường Thái Lan. Quy mô vốn hóa TTCK trên GDP còn khiêm tốn, cơ cấu giữa thị trường vốn còn mất cân đối.
Phát triển nhanh, bền vững thị trường chứng khoán, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các thành viên thị trường là một thách thức không nhỏ với SGDCK Tp.HCM và với các thành viên thị trường.
Trong đó, thanh khoản trên thị trường được cải thiện nhưng vẫn tồn tại các yếu tố chưa thực sự bền vững. GTGD còn thấp so với các thị trường trong khu vực (GTGD bình quân ngày của thị trường Việt Nam đạt 180 triệu USD, bằng 1/9 thị trường Thái Lan (1,5 tỷ USD), 1/5 thị trường Singapore (864 triệu USD), 1/3 thị trường Malaysia (244 triệu USD). Tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước trong nhiều doanh nghiệp niêm yết còn lớn, khiến tính thanh khoản của cổ phiếu còn hạn chế so với tiềm năng của doanh nghiệp.
Sự tham gia của NĐTNN trong tổng giao dịch còn hạn chế (Tỷ trọng tham gia của NĐT nước ngoài trên thị trường Việt Nam theo GTGD còn thấp, giai đoạn 2010-2019 đạt 12-18%, đặc biệt là các tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức chưa cao. Tại ngày 31/12/2019, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân chiếm 99,34%. Số lượng NĐTNN tuy có tăng lên nhưng mới chỉ đạt mức 1,45%.
Số lượng sản phẩm mới thực tế được chào bán và niêm yết trên thị trường cổ phiếu còn hạn chế, thị trường vẫn chủ yếu tập trung vào sản phẩm truyền thống là cổ phiếu. Chất lượng quản trị công ty có cải thiện nhưng còn khoảng cách xa so với thị trường khu vực. Quá trình cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước trong các năm gần đây còn diễn ra chậm ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa cho thị trường trong thời gian qua. Việc chưa có hướng dẫn cụ thể về việc niêm yết đối với các doanh nghiệp có nguồn gốc FDI dẫn đến việc nhiều các doanh nghiệp có nguồn gốc FDI chưa thực hiện niêm yết được trên các Sở GDCK. Việc phân định chưa rõ ràng về cấu trúc giữa các thị trường cổ phiếu, trái phiếu dẫn đến những khó khăn nhất định cho nhà đầu tư và thành viên thị trường.
Sẽ tăng gấp 2 lần quy mô thị trường cổ phiếu lên đạt 120% GDP vào năm 2025
Theo đó, lên kế hoạch cho giai đoạn 2021-2025, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM đặt mục tiêu xây dựng thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn; hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, quy mô thị trường cổ phiếu 120% GDP vào năm 2025; Số lượng công ty niêm yết đến năm 2020 tăng 20% so với năm 2017
Song song hoàn thiện bộ máy, mô hình hoạt động và quản trị theo thông lệ quốc tế, nâng cao năng lực tổ chức, vận hành thị trường. Hỗ trợ quá trình thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam theo lộ trình và mô hình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 7 tháng 1 năm 2019; thực hiện phân bảng thị trường theo tiêu chí về quy mô, chất lượng hoạt động, thanh khoản
Đồng thời Sở cũng sẽ tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường chứng khoán; triển khai các sản phẩm mới theo hướng từ đơn giản đến phức tạp, các loại chứng quyền có bảo đảm trên chỉ số/ETF, chứng quyền bán, các loại hình quỹ ETF, chứng chỉ lưu ký (DR), chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR); phát triển thêm các chỉ số cơ sở để làm tài sản cơ sở cho thị trường chứng khoán phái sinh
Cuối cùng, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động đồng bộ tại hai Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam phục vụ quản lý, giám sát giao dịch, thanh toán bù trừ cho toàn thị trường. Chú trọng phát triển bền vững và nâng cao minh bạch, chất lượng công ty niêm yết, hướng đến chất lượng quản trị công ty trong các công ty niêm yết của Việt Nam đạt mức bình quân ASEAN-6; khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết có quy mô lớn thực hiện công bố báo cáo tài chính theo chuẩn báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Hoặc