Cổ phiếu STB bùng nổ trong phiên 22/9 nhờ ông chủ Thaco 'nhập cuộc'? - Kinh  tế - Việt Giải Trí

Sáng 23/9, cổ phiếu STB của Sacombank (HoSE: STB) tiếp tục tăng 4% so với tham chiếu lên giá 13.000 đồng/cp, sau khi tăng trần ngày hôm qua. Phiên 22/9, cổ phiếu này đột biến thanh khoản, hơn 45,7 triệu đơn vị, cao nhất từ đầu năm 2018 với tổng giá trị giao dịch hơn 563,6 tỷ đồng. 

Trước đó 4 ngày, cổ phiếu STB cũng ghi nhận phiên giao dịch 24 triệu đơn vị, tương ứng hơn 279 tỷ đồng. Thị giá STB đã tăng 24% từ đáy cuối tháng 7 và 72% so với mức thấp nhất cuối tháng 3. 

Theo các công bố chính thức, Sacombank không có cổ đông lớn, gần 68.000 cổ đông nhỏ, trong đó 304 tổ chức tính đến cuối năm 2019. 

Một tổ chức gần nhất đăng ký giao dịch cổ phiếu STB là Chứng khoán Liên Việt, muốn bán toàn bộ 3 triệu cổ phiếu. Giao dịch dự kiến từ 31/8 đến 29/9 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

CTCK này là đơn vị có liên quan đến ông Nguyễn Văn Huynh, thành viên HĐQT độc lập Sacombank. Lượng cổ phiếu đang sở hữu được mua trong giai đoạn tháng 4/2019-9/2019. Chứng khoán Liên Việt đã một lần bán bất thành với lý do điều kiện thị trường chưa phù hợp.

Diễn biến giao dịch cổ phiếu STB thời gian qua. Nguồn: VNDirect.

Diễn biến giao dịch cổ phiếu STB thời gian qua

Ngoài cổ đông, một số ngân hàng đang sở hữu lượng lớn cổ phiếu STB dưới dạng tài sản đảm bảo cho khoản vay của các cá nhân tổ chức như EximBank và Kienlongbank.

Tại tài liệu đại hội thường niên 2020, Eximbank cho biết được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép bán 75 triệu cổ phiếu STB do 7 khách hàng thế chấp, nếu người vay không trả nợ. Eximbank muốn phát mãi toàn bộ lượng cổ phiếu STB trên để thu hồi 746 tỷ đồng nợ vay.

Với Kienlongbank, ngân hàng từng chào bán 176,3 triệu cổ phiếu STB vào đầu năm, là tài sản đảm bảo của một nhóm khách hàng, nhưng chưa thành công. Ngân hàng kỳ vọng việc xử lý số cổ phiếu nói trên trong năm 2020 sẽ giúp đạt lợi nhuận kế hoạch 750 tỷ đồng, gấp hơn 8 lần năm 2019. 

Chia sẻ với báo chí, lãnh đạo Kienlongbank cho biết ngân hàng sẽ tiếp tục kế hoạch bán 176,4 triệu cổ phiếu STB và khả năng sẽ hoàn tất trong năm 2020. Tuy nhiên, vị này khẳng định ngân hàng sẽ không chốt giá bán thấp hơn 20.000 đồng/cổ phiếu, dù đang cần thu hồi nợ xấu. 

Sau lần 1 thất bại, Kienlongbank chào bán hơn 176 triệu cổ phiếu STB của Sacombank lần thứ 2, giá hạ xuống 21.600 đồng/cổ phiếu

Kienlongbank chào bán hơn 176 triệu cổ phiếu STB của Sacombank lần thứ 2

Ở chiều mua, Tập đoàn Trường Hải (THACO) mới đây phát đi thông cáo không có kế hoạch đầu tư và cũng chưa sở hữu cổ phiếu STB. Thông cáo của Thaco đề cập trên các diễn đàn và mạng xã hội có tin tập đoàn mua gần 180 triệu cổ phiếu STB với giá 18.000 đồng từ KienlongBank. Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank, cũng phủ nhận thông tin THACO mua cổ phiếu STB. Vị này cho hay đang trình NHNN đề án xử lý. 

Đặt trọng tâm xử lý nợ xấu

6 tháng đầu năm, Sacombank lãi trước thuế 1.428 tỷ đồng, giảm 2 % so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do chi phí dự phòng cao hơn 49%. Năm nay, ngân hàng được thông qua kế hoạch lợi nhuận 2.573 tỷ đồng, giảm 20% do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Tổng tài sản đến cuối tháng 6 hơn 481.897 tỷ đồng, tăng 6%. Cho vay khách hàng tăng 5% so với đầu năm, dư nợ ở mức 310.694 tỷ đồng. Nợ xấu ở mức 6.682 tỷ đồng, tăng gần 17%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 1,8 lần, lên 850,8 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nâng từ 1,93% lên 2,15%. 

Một trong những mục tiêu quan trọng của Sacombank là xử lý nợ xấu. CEO Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết khoảng 11.000 tỷ đồng nợ xấu sẽ được xử lý năm nay. 5 tháng đầu năm, doanh số đã đấu giá thành công đạt trên 9.700 tỷ đồng, thực thu tiền mặt là 1.800 tỷ đồng. Trong phần còn lại của năm, con số thu hồi nợ xấu sẽ vượt xa kỳ vọng. 

Râm ran tin giả Thaco đổ tiền sở hữu cổ phiếu Sacombank, ai là người hưởng lợi?

Ông Dương Công Minh, đương kim Chủ tịch HĐQT, sở hữu 62.569.075 cổ phần (3,47%) Sacombank

Chứng khoán Bản Việt (VCSC) từng đề cập Sacombank sẽ xử lý 12.000-15.000 tỷ đồng nợ tồn đọng trong năm 2020, không tính việc thanh lý quỹ đất Phong Phú. Tuy nhiên, VCSC nhận định việc thanh lý thành công quỹ đất Phong Phú sẽ giúp hỗ trợ con số này. 

Trong báo cáo gần đây, VCSC cho rằng ngân hàng đang đi đúng hướng trong kế hoạch xử lý tài sản tồn đọng và tài sản lớn nhất tính theo giá trị rao bán đã được gỡ khỏi website ngân hàng vào tháng 4. Trong 3 tháng qua, VCSC đã ghi nhận một số các tài sản khác được niêm yết như dự án căn hộ Xi Grand Cout nằm tại quận 10, TP HCM (giá chào bán 577 tỷ đồng), tài sản rộng 407 m2 nằm ở quận 3, TP HCM (giá chào bán 257 tỷ đồng), tài sản rộng 614 m2 tại quận 11, TP HCM (giá chào bán 122 tỷ đồng) và 38 quyền sử dụng đất tại tỉnh Long An (giá chào bán 150 tỷ đồng).

Chủ tịch Sacombank ông Dương Công Minh từng cho biết ngân hàng đang tái cơ cấu và tích cực xử lý nợ xấu. Tài sản xấu xử lý, được hoàn vào vốn kinh doanh, chỉ cần NHNN cấp hạn vốn tín dụng như đề án tái cơ cấu được duyệt thì Sacombank sẽ đẩy nhanh được quá trình. Ông Dương cho rằng trong 5 năm, ngân hàng sẽ được tái cơ cấu xong theo đúng tinh thần của đề án đã được phê duyệt năm 2017.

Trong báo cáo thường niên mới nhất, Sacombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng bình quân 12%/năm và đạt 927.000 tỷ đồng năm 2025. Huy động và cho vay tăng lần lượt 13% và 15%/năm, lợi nhuận trước thuế mục tiêu tăng 26% trong giai đoạn 2020-2025. 

Kế hoạch của Sacombank giai đoạn 2020-2025

Bên cạnh Sacombank, gần đây, cổ phiếu ngân hàng nhận được sự quan tâm nhờ thông tin chuyển sàn, tăng vốn và phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược. Phần lớn các cổ phiếu ngành này đều tăng 10-40% chỉ tính từ đầu tháng 8, có thể điểm tới như SHB tăng 43%, ACB 29%, HDB 26%, TCB 20%...