Mọi chuyện bắt đầu từ kiến nghị của một cử tri trước kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Bình Dương khóa IX, đơn vị huyện Phú Giáo. Cử tri này cho rằng: “dự án của Vinamit không đóng góp cho kinh tế xã hội riêng của địa phương". Do vậy cần thu hồi để phát triển dự án khác. Cụ thể là: Quy hoạch khu dân cư tập trung dọc hai tuyến đường ĐH.504 và 508, nhằm tạo tiềm lực phát triển kinh tế xã hội của địa phương”.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng đáp ứng lời kêu gọi của cử tri này, và tổ chức đoàn kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất của Công ty Vinamit tại xã Phước Sang, huyện Phú Giáo.
Tuy nhiên, xét về quy hoạch, 152 ha của Vinamit đã thuộc diện: quy hoạch đất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Lâm Viên lo lắng nông trại của mình sẽ bị xóa sổ vì thay đổi quy hoạch
Ngày 17-12-2019, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng ký văn bản số 6490/UBND-KT giao Thanh tra tỉnh phối hợp Sở ngành thanh kiểm tra “tình hình tuân thủ các quy định của pháp luật” tại dự án sản xuất nông nghiệp của Vinamit.
Tháng 4-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm ký quyết định số 1149/QĐ-UBND thành lập đoàn thanh tra kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật với dự án trên diện tích hơn 150 ha của Vinamit.
Trái với kiến nghị của cử tri trên, kết quả kinh doanh và hoàn thành nghĩa vụ thuế với nhà nước được Vinamit đảm bảo đầy đủ.
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Vinamit: Năm 2019, Vinamit đóng thuế giá trị gia tăng cho ngân sách Bình Dương hơn 34 tỉ đồng, năm 2018 gần 30 tỉ đồng, năm 2017 hơn 28 tỉ đồng. Ngoài ra còn chưa kể đến các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nộp cho ngân sách Bình Dương và các đóng góp xã hội khác ở cấp xã và huyện nơi có nông trại, tương đương hàng tỉ đồng mỗi năm.
Nếu xét về hồ sơ pháp lý của khu đất, quyết định thanh tra của Bình Dương tiếp tục gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo đó, Tháng 12-2007, Vinamit đã đóng hơn 32 tỉ đồng tiền sử dụng đất một lần và được Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương cập nhật thay đổi vào sổ đỏ năm 2008. Từ đó đến nay, Vinamit trồng trọt làm vùng nguyên liệu theo đúng mục đích sử dụng đất đã được cấp phép.
Nguồn gốc khu đất trên bắt nguồn từ nông trại Phước Sang của Trường Đại học Cần Thơ. Trường này đã bỏ tiền đền bù đất công theo mức giá tại Quyết định số 24/1999/QĐ-UB ngày 6-3-1999 của UBND tỉnh Bình Dương.
Vinamit sang nhượng lại quyền sử dụng đất trên rồi được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho chuyển đổi sang hình thức giao đất có đóng tiền sử dụng đất một lần tại quyết định 4519/UBND-SX ngày 9-10-2007 do Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thị Kim Vân ký.
Cách đây 10 năm, ông Viên đã rơi vào một cuộc chiến pháp lý để tranh chấp thương hiệu. “Phải mất bốn năm liên tục, trải qua ba phiên toà Vinamit mới giành lại quyền sở hữu thương hiệu của mình”, ông Viên kể.
Tuy nhiên, cuộc chiến lần này có vẻ cam go hơn nhiều. Bởi vì, "Doanh nghiệp dù tuân thủ chặt chẽ pháp luật vẫn luôn lo âu vì có thể gặp rủi ro. Chúng tôi sợ nhà nước, địa phương sẵn sàng thay đổi quy hoạch sử dụng đất một cách bất chấp. Họ bảo rằng họ có toàn quyền định đoạt", ông Viên e ngại.
Kết quả thế nào sẽ còn nhờ các cơ quan chức năng vào cuộc. Nhưng có vẻ trận chiến thứ 2 trong vòng một thập niên của ông chủ Vinamit sẽ hết sức cam go.
Hoặc