Siết tín dụng vay mua nhà ở trên 3 tỷ đồng - 1

Thu nhập của khách hàng còn bị tác động bởi bệnh dịch nên chưa sẵn sàng để vay mua nhà.

Chưa dám vay, dù lãi suất giảm

Ông Trần Minh Tuấn, quận Bình Thạnh, TP.HCM cho hay, gia đình ông đang có nhu cầu vay thêm 40% vốn tín dụng ngân hàng để mua một căn hộ chung cư tầm hơn 2 tỷ đồng cho cậu con trai vừa lập gia đình. Nhưng đại dịch Covid-19 khiến thu nhập của vợ chồng con trai ông bị ảnh hưởng, tiền lương cắt giảm nên chưa dám vay, cho dù lãi suất giảm.

Thực tế, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà đã và đang được các ngân hàng điều chỉnh giảm theo xu hướng của thị trường để cạnh tranh tăng trưởng tín dụng. Đơn cử, trong tháng 10/2020, Vietcombank công bố lãi suất vay mua, xây, sửa nhà ở, đất ở áp dụng cho nhiều kỳ hạn, nhưng đều không thấp hơn mức sàn cho vay hiện nay là 10,5%/năm.

Cụ thể, nếu lãi suất cố định trong một năm đầu từ 7,29 - 8,1%/năm, thì từ năm thứ hai trở đi lãi vay sẽ bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng biên độ 3,5%/năm. Nếu cố định trong hai hoặc ba năm đầu, lãi suất áp dụng sẽ tương ứng là 8,6%/năm và 9,2%/năm, từ năm thứ ba hay thứ tư trở đi được tính bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng biện độ 3,5%/năm.

Lãi suất cho vay mua nhà tại Nam A Bank hiện cũng khá ưu đãi, từ 7,3-8%/năm và khách hàng được linh hoạt trong các phương thức trả nợ. Với khoản vay ngắn hạn, Nam A Bank miễn phí trả nợ trước hạn từ tháng thứ 7 trở đi. Khách hàng sẽ được miễn phí trả nợ trước hạn kể từ năm thứ 4 trở đi đối với các khoản vay trung hạn.

Từ đầu tháng 10/2020, Ngân hàng Shinhan Việt Nam đã giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân mua nhà, mua xe. Cụ thể, với mục đích mua nhà, Shinhan giảm lãi suất từ 7,5%/năm xuống 6,5%/năm cố định trong 12 tháng; giảm từ 8,3%/năm xuống 7,4%/năm cố định trong 24 tháng và giảm từ 9,4%/năm xuống 8%/năm cố định trong 36 tháng. Bên cạnh đó, Shinhan còn triển khai gói vay mua nhà cố định lãi suất đến 48 tháng với lãi suất 8,7%/năm.

Tại ACB, lãi suất cho vay mua nhà hiện đã giảm nhiều so với đầu năm. Cụ thể, lãi suất cho vay năm đầu giảm về 7,5-8%/năm. Sau 12 tháng, lãi suất sẽ theo xu hướng thị trường. Không chỉ giảm lãi suất cho vay mới, ACB còn giảm cả lãi suất cho các khoản vay mua nhà cũ khi đến các kỳ trả lãi 3, 6, 9 tháng hay 1 năm tùy vào hợp đồng.

Tương tự, SHB cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay mua nhà đất từ 7,5%/năm xuống 6,5%/năm; lãi vay mua ô tô, tiêu dùng giảm về còn 6,8%/năm. BIDV dành 30.000 tỷ đồng cho cá nhân vay với lãi suất từ 5,5%/năm đối với khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng và 6%/năm cho khoản vay từ 6-12 tháng. VIB cho vay mua nhà với lãi suất 8,3%/năm trong 12 tháng…

Cân nhắc vay mua nhà thời Covid

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, dư nợ cho vay mua nhà tại Ngân hàng có tăng trong 9 tháng qua, nhưng không cao như mọi năm. Nguyên nhân chủ yếu do dịch bệnh tác động đến thu nhập của người tiêu dùng khiến nhu cầu mua nhà khó tăng, ảnh hưởng tới tín dụng cho vay lĩnh vực này.

Nhận định khả năng mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm nói chung, lãi suất cho vay mua nhà nói riêng, sẽ còn giảm trong quý còn lại của năm 2020, ông Phát cho biết, ACB sẽ tiếp tục tăng cường kích cầu tín dụng cá nhân (tiêu dùng, mua nhà…) trong dịp kinh doanh cao điểm cuối năm. Tuy nhiên, ông Phát cũng cho rằng, việc đẩy mạnh dư nợ tín dụng mua nhà không hề đơn giản, nhất là khi thu nhập của khách hàng còn bị tác động bởi bệnh dịch nên chưa sẵn sàng để vay.

“Các ngân hàng đang cạnh tranh mạnh mẽ trong việc thu hút khách hàng mua nhà, một trong những biện pháp là giảm lãi suất cho vay. Trong khi trên thực tế, nhu cầu mua nhà luôn tăng, nhất là những người làm công ăn lương. Nhưng do thị trường năm nay không được tích cực bởi tác động của dịch bệnh và nguồn cung về nhà ở hạn chế, nên tìm được khách hàng tốt để cho vay trong bối cảnh hiện nay là không dễ dàng”, ông Phát phân tích.

Một thách thức khác khiến tín dụng mua nhà khó tăng là mức cho vay thế chấp không còn cao như trước. Chẳng hạn, tại Vietcombank, mặc dù tín dụng mua nhà được ngân hàng này cho vay có tài sản đảm bảo là ngôi là khách hàng định mua hoặc tài sản khác, song mức cho vay tối đa chỉ là 70% giá trị tài sản thế chấp, thậm chí thấp hơn tùy theo khu vực, ví dụ huyện Củ Chi - Cần Giờ chỉ tối đa 50%, huyện Nhà Bè, Bình Chánh hay quận Thủ Đức tối đa 60%..., trong khi trước đây mức tối đa có thể lên tới 90%. Theo Vietcombank, việc định giá tài sản đảm bảo được tiến hành bởi một công ty thẩm định giá độc lập, Ngân hàng không tham gia vào quá trình này.

Nhìn chung, do tín dụng tăng trưởng chậm trong nửa đầu năm, nên các ngân hàng đều xem tín dụng tiêu dùng là giải pháp thúc đẩy tăng trưởng giai đoạn cao điểm cuối năm, cho nên lãi suất cho vay được dự báo sẽ còn giảm tiếp. Trước thực tế này, nhiều người đang cân nhắc việc vay mua nhà ở thời điểm hiện tại. Các chuyên gia khuyến cáo, trước khi đưa ra quyết định, người mua nhà cần cân nhắc nhiều yếu tố để đảm bảo an toàn cho nguồn tài chính của mình.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Huỳnh Trung Minh nhìn nhận, lãi suất vay mua nhà tuy giảm, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nên thu nhập của người dân sẽ chịu ảnh hưởng. Trong khi đó, giá bất động sản không những không giảm mà còn tăng ở nhiều dự án, nhiều khu vực, cho nên người có nhu cầu vay mua nhà để ở cần tính đến khả năng trả nợ.

“Nếu tính chuyện vay vốn để mua nhà, đầu tiên, khách hàng cá nhân cần có sẵn tối thiểu 20-30% giá trị ngôi nhà. Tiếp đó, cần có nguồn thu nhập ổn định từ lương hay hoạt động khác khoảng 23-40 triệu đồng/tháng trở lên để đảm bảo việc trả được đầy đủ, đúng hạn. Nếu thiếu một trong hai yếu tố này thì chưa nên tính đến việc sở hữu nhà ở từ tín dụng”, ông Minh thẳng thắn.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, lãi suất vay mua nhà hiện tương đối hấp dẫn. Nhiều ngân hàng tung ra các gói cho vay ưu đãi với kỳ hạn dài, lãi suất chỉ từ 7-9%/năm. Tuy nhiên, người có nhu cầu mua nhà không nên vay quá nhiều, mà chỉ nên vay ở mức 30-35% giá trị bất động sản để đảm bảo việc trả nợ. Với người vay mua bất động sản để đầu tư thì cần hướng đến mục tiêu trung và dài hạn, tránh “lướt sóng” ngắn hạn hay đầu cơ bởi thời điểm hiện tại có nhiều rủi ro.

Ở một góc nhìn khác, ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc khối Bán lẻ Shinhan Việt Nam cho rằng, với xu hướng đi xuống của lãi suất, cầu vốn cá nhân vay mua nhà, xe ô tô và tiêu dùng sẽ tăng thời gian tới. Tuy nhiên, do khẩu vị rủi ro cũng đã thay đổi so với trước, nên các ngân hàng buộc phải thận trọng hơn trong các quyết định cho vay và quản lý danh mục cho vay của mình, tránh rủi ro nợ xấu tăng. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới khả năng kích cầu tín dụng mua nhà.