Quê quán

Quê quán của ông Trần Bắc Hà là ở Hoài Ân, Bình Định. Tuy nhiên, nơi ông chào đời lại là Hà Tây nơi bố là ông Trần Đình Châu đang hoạt động cách mạng. Ông Trần Đình Châu hoạt động cách mạng từ thời chống Pháp, từng giữ các chức vụ như: Phó Bí thư Huyện ủy Hoài Ân; Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng huyện Hoài Ân, Bình Định vào năm 1966. Tuy nhiên, Trần Bắc Hà chủ yếu sống và học tập tại Hà Nội cho đến ngày ông tốt nghiệp Đại học Tài chính Kế toán và trở về Bình Định để công tác.

Có lẽ xuất thân như thế nên ông có những hoài niệm về quê hương một cách sâu sắc. Trong một buổi tiệc quan trọng gồm nhiều doanh nhân và quan chức, có người hỏi ông rằng: Tại sao phần lớn các bộ chủ chốt của BIDV là người Bình Định? ông Hà đã đứng lên cầm micro tuyên bố: Có vị hỏi thì hôm nay tôi nói một lần cho rõ rồi thôi sau này đừng thắc mắc thêm: “Sở dĩ phần lớn cán bộ chủ chốt của BIDV là người Bình Định đơn giản vì tôi là người Bình Định!”

Sự nghiệp

Năm 1981, ông bắt đầu công tác với vị trí chuyên viên của BIDV tại Bình Định. 10 năm sau, năm 1991, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc của các chi nhánh, các công ty con của BIDV.

Từ năm 1999, ông Bắc Hà làm Phó Tổng giám đốc BIDV và đến năm 2003 làm Tổng giám đốc. Sau 5 năm ở cương vị CEO, ông Bắc Hà lên giữ ghế chủ tịch từ 2008 và tiếp tục ở vị trí này cho đến khi về hưu vào tháng 9/2016. Tổng thời gian ông giữ chức chủ tịch BIDV là 8 năm 8 tháng.

Ngoài ra, ông Hà còn được biết đến trong vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), sang Lào (AVIL) và sang Myanmar (AVIM).

Trong thời gian này, BIDV đã trải qua cột mốc quan trọng chuyển đổi từ ngân hàng quốc doanh trở thành công ty đại chúng và niêm yết trên thị trường chứng khoán ngày 24/1/2014. Một năm sau, BIDV nhập sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà đồng bằng Sông Cửu Long (MHB).

Ngân hàng tiếp tục mở rộng lĩnh vực hoạt động từ ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán; phủ sóng ra nước ngoài, có mặt tại Lào, Campuchia, Myanmar, Cộng hòa Séc.

Không thể phủ nhận vai trò và sức ảnh hưởng của ông Trần Bắc Hà tại BIDV. Khi ông này rời ghế Chủ tịch HĐQT về hưu theo chế độ, BIDV phải mất 2 năm để tìm kiếm Chủ tịch HĐQT tiếp theo. Sự bùng nổ của ngành ngân hàng trong 10 năm qua cùng với việc chuyển đổi từ một ngân hàng quốc doanh thành ngân hàng cổ phần đã khiến BIDV tăng trưởng mạnh mẽ.

Năm đầu tiên ông Hà giữ chức Chủ tịch HĐQT, BIDV có tài sản ở mức 246.494 tỷ đồng, nhỉnh hơn một chút so với hai ngân hàng TMCP Nhà nước là Vietcombank (221.950 tỷ đồng) và VietinBank (193.590 tỷ đồng). Tuy nhiên 8 năm sau, tài sản ngân hàng này đã gấp 4 lần so với 2008, cao hơn 28% Vietcombank và 6% VietinBank.

Mức độ nổi tiếng của ông khiến giới giới tài chính ngân hàng gọi bằng cái tên "ông trùm tài chính", là người "thét ra lửa".

Thậm chí, hồi tháng 2/2013 có tin đồn rằng ông bị bắt giữ. Sự việc này đã khiến thị trường tài chính bị một phiên xáo động với hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo và giảm sàn khiến chỉ số VnIndex lao dốc còn vốn hóa thị trường "bốc hơi" gần 30.000 tỷ, tỷ giá cũng biến động mạnh.

Trao đổi với báo giới, ông Hà chia sẻ: "Đáng lẽ Tết ra tôi phải lo xử lý bao nhiêu việc, nhưng tin đồn loạn lên thành ra có cú điện thoại nào tôi cũng phải nghe, không thì người ta tưởng tôi bị bắt thật". Ông Hà cũng cho rằng những kẻ tung tin đồn liên quan đến ông hôm đó có lẽ đã kiếm được 500 – 700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vào năm 2018 tin ông bị bắt không còn là tin đồn nữa thị trường chứng khoán lại bình chân như vại, thậm chí cổ phiếu BID của BIDV còn được mua mạnh và giá giữ màu xanh đến lúc đóng cửa trong phiên giao dịch ngày 29/11/2018. Ông đã chính thức bị bắt tạm giam vì những sai phạm của mình trong 8 năm 8 tháng giữ ghế chủ tịch BIDV.

Vướng lao lý vì gây thất thoát 4.700 tỷ đồng

Tại kỳ họp thứ 26 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hồi tháng 6/2018, Ủy ban cho biết đã xem xét, kết luận một số nội dung, trong đó có vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nói chung và cá nhân ông Bắc Hà nói riêng.

Trong đó, ông Trần Bắc Hà, đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để BIDV có nhiều vi phạm nghiêm trọng mang tính hệ thống trong thực hiện quy chế làm việc, quy định về phân cấp thẩm quyền và quy trình, thủ tục cấp tín dụng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm tăng nợ xấu, nhất là các khoản nợ có khả năng mất vốn; để nhiều cán bộ vi phạm kỷ luật đảng và pháp luật nhà nước, bị xử lý hình sự; làm giảm nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, đến thu nhập, việc làm và đời sống của người lao động Ngân hàng BIDV.

Theo đó, với chức vụ là Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV; vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.

Đến kỳ họp thứ 27 vào cuối tháng 7, trước những sai phạm tại BIDV, ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng bị đề nghị kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng.

Chiều ngày 29/11/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cho biết, căn cứ kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ đã thu thập được, ngày 22/11/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (CO3) ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 46/C03-P13 về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" xảy ra tại Ngân hàng BIDV; cùng ngày đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét đối với ông Trần Bắc Hà về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".

Cùng bị bắt với ông Trần Bắc Hà còn có ông Trần Lục Lang, nguyên Phó Tổng giám đốc BIDV, người cũng đã bị Ủy ban kiểm tra trung ương yêu cầu kỷ luật do những sai phạm cực kỳ nghiêm trọng xảy ra tại BIDV. Ngoài ra còn có một cựu lãnh đạo chi nhánh BIDV Hà Tĩnh bị bắt giam nữa, và một cựu cán bộ bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Tổng cộng "đi cùng" ông Trần Bắc Hà là 3 cựu cán bộ BIDV.

Tử vong trong trại tạm giam

Trở lại bản tin của Tuổi Trẻ đã nêu ở trên thì: Ông Hà tử vong khi đang bị tạm giam để điều tra về những sai phạm trong hoạt động ngân hàng tại BIDV.

Theo nguồn tin, ông Trần Bắc Hà bị tạm giam ở trại tạm giam của Cục điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng và được xác định tử vong với nguyên nhân được cho là bị bệnh.

Sáng 18 tháng 07 năm 2019, ông Bắc Hà được đưa vào Viện 105 và được xác định "tử vong ngoại viện" (mất trước khi đưa vào bệnh viện). Theo đó, ông Bắc Hà nhiều năm nay có trọng bệnh về gan và từng chữa trị ở nước ngoài.

Với cái chết của mình, ông Trần Bắc Hà đã mang đi nhiều thông tin và cũng đồng thời khép lại một cuộc đời nhiều công nhưng cũng lắm tội.

Hoài niệm về ông chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright người từng là thuộc cấp của ông chia sẻ:

“Hai lần đi thi ấn tượng nhất trong đời tôi là thi tuyển vào BIDV Bình Định năm 1996 và thi vào Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright năm 2001. Cách thi hoàn toàn khác với những gì tôi tưởng tượng.

Ông Trần Bắc Hà là người đầu tiên tuyển dụng tôi. Chín năm làm việc dưới quyền của ông ấy ở BIDV, nhưng chỉ có hơn ba năm là thực chất chứ khi ông đã lên Trung ương thì dưới quyền vì ông ấy là lãnh đạo toàn ngành.” , Huỳnh Thế Du Hoài niệm.

“Tôi học được quyết tâm đạt được những mục tiêu đề ra là qua quan sát những gì ông ấy làm. Tôi nghiệm ra rằng, những bài học hay và dễ thấm nhất là nhìn vào hành động thực tiễn của người khác. Những điều thị phi về ông Trần Bắc Hà rất nhiều do tính cách và quyền lực của ông ấy. Tuy nhiên, điều mà dư luận ít biết nhưng những ai ở BIDV nói riêng và biết ông ấy nói chung đều thấy rằng có rất nhiều người có khả năng và chính trực làm việc cho/với ông ấy.”, cho biết thêm.

Cuộc đời của Trần Bắc Hà quả là lừng lẫy nhưng cũng lắm điều tiếng. Ông mất đi nhưng nhiều vấn đề vẫn còn treo lơ lửng.

Và mới đây ngày 20 tháng 05 năm 2020, VKSND tối cao tiếp tục ra quyết định truy tố ông và 12 người có liên quan trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà và Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và du lịch Trung Dũng làm thất thoát 1600 tỷ đồng của ngân hàng BIDV.

Điều đáng chú ý đồng phạm là con trai ông Trần Duy Tùng, hiện đã bỏ trốn và bị truy nã quốc tế.