Kỳ 1: Hợp tác với Bầu Đức nuôi bò sữa, thâu tóm cà phê Phước An, NutiFood có những bước chuẩn bị chiến lược cho việc mở rộng ngành hàng

Năm 2014, HAGL và NutiFood đã bắt tay hợp tác để phát triển trang trại bò sữa của HAGL. Theo đó, Dự án có tổng kinh phí hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó HAGL đầu tư 6.300 tỷ đồng để phát triển đàn bò sữa với số lượng 120.000 con, còn NutiFood đầu tư xây dựng nhà máy sữa tươi tại Gia Lai, với kinh phí 5.000 tỷ đồng, công suất 500 triệu lít sữa/năm để bao tiêu toàn bộ lượng sữa từ trang trại HAGL.

Ông Trần Thanh Hải (trái), Chủ tịch NutiFood, ông Đoàn Nguyên Đức (giữa) trong lễ ký kết hợp tác phát triển trang trại chăng nuôi bò sữa và vùng nguyên liệu sữa đậu nành vào năm 2015

Sau hơn 1 năm kể từ lúc ký kết dự án, đàn bò sữa của HAGL đã có gần 10.000 con, trong đó hơn 5.000 con cho sữa, với sản lượng mỗi ngày hơn 100 tấn. Toàn bộ số sữa này được đưa về Nhà máy sữa NutiFood để sản xuất 2 sản phẩm Nuti sữa tươi 100% và sữa chua Nuti. Và ngày 29 tháng 9 năm 2015, NutiFood chính thức tuyên bố tung ra thị trường sản phẩm sữa tươi Nuti.

“Giá sản phẩm của chúng tôi rẻ hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường là 3.000 đồng/lít. Có kết quả này là do HAGL đã bán nguyên liệu giá tốt cho chúng tôi”, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch NutiFood chia sẻ tại buổi ra mắt sản phẩm.

Bầu Đức và ông Trần Thanh Hải tại buổi lễ ra mắt sản phẩm sữa tươi Nuti và sữa đậu nành Nuti

Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết, sau hơn 15 tháng triển khai, hiện đàn bò sữa nhập từ Úc và New Zeland của HAGL đã có gần 10 nghìn con trong đó có hơn 5.000 con cho sữa với sản lượng mỗi ngày hơn 100 tấn.

Bò nuôi tại trang trại HAGL không phải nhập khẩu thức ăn mà tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như bắp, mật mía, cọ dầu. HAGL còn đầu tư trồng cỏ voi Thái Lan với diện tích khoảng 700 ha.

Sau sự kiện đó, NutiFood tiếp tục hợp tác với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam để cho ra mắt sản phẩm sữa đậu nành.

Trong dự án liên kết phát triển nguồn nguyên liệu sữa đậu nành, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam sẽ nghiên cứu giống và trồng thực nghiệm để cho ra những loại đậu nành với năng suất cao, chất lượng tốt.

HAGL sẽ dành khoảng 1.000 ha để trồng đậu nành và trong 5 năm tới, quỹ đất dự kiến lên tới 3.000 ha. NutiFood bao tiêu toàn bộ sản lượng đậu nành, dự kiến năm đầu tiên khoảng 2.500 tấn, cho ra khoảng 3,5 triệu lít sữa đậu nành và trong những năm tiếp theo khoảng 20.000 tấn đậu nành để sản xuất khoảng 185 triệu lít sữa đậu nành/năm.

Với việc tung ra hai sản phẩm mới này vào thị trường, NutiFood cho thấy mình đã chuẩn bị bước đầu cho việc đa dạng hóa sản phẩm trong chiến lược mở rộng ngành hàng bên cạnh những sản phẩm sữa truyền thống , đặc trị mà tập đoàn đã phát triển từ trước đó.

Song song với việc phát triển mảng sữa, NutiFood đã âm thầm mở rộng lĩnh vực sang cà phê.

Năm 2017, trong quá trình cổ phần hóa Công ty cà phê Phước An, NutiFood chi 34 tỷ đồng để sở hữu 25% cổ phần của Phước An. Và trong định hướng chiến lược NutiFood sẽ gia tăng tỷ lệ sở hữu lên đến trên 51% để biến Phước An thành công ty con.

Ông Trần Thanh Hải (phải), Chủ tịch NutiFood tại buổi ký kết hợp tác chiến lược với cà phê Phước An vào năm 2017

Đầu năm 2020, khi cà phê Phước An vừa mới lên sàn UPCom: CPA, họ chào bán 10 triệu cp cho NutiFood để thu về 100 tỷ đồng. Với động thái này của NutiFood, CPA chính thức trở thành công ty con khi Nutifood sẽ nâng sở hữu tại CPA lên thành 77.31%.

"Với mong muốn gia tăng giá trị cho hạt cà phê Robusta Việt Nam, sản lượng hàng đầu thế giới nhưng chỉ xuất thô với giá rẻ mạt và người tiêu dùng quốc tế không hề biết đến xuất xứ địa lý của nó. Do đó, sản phẩm đầu tiên mà NutiFood đầu tư nghiên cứu để phát triển thành sản phẩm công nghiệp là Cà Phê Sữa Đá Việt", ông Trần Thanh Hải cho biết.

Trang trại có quy mô rộng 1000 ha tại thủ phủ cà phê Đắk Lắk, sau khi mua Phước An NutiFood đã cho ra mắt sản phẩm NutiCafe để chính thức đặt chân vào thị trường cà phê.

Theo ông Hải, sức tiêu thụ cà phê trong nước hàng năm khoảng 1 tỉ USD. Trong đó 65% thị phần cà phê rang xay và 35% còn lại là thị phần cà phê hòa tan. Theo Hiệp hội Cà phê Việt Nam, tính đến nay cả nước có 19 nhà máy chế biến cà phê hòa tan với tổng công suất gần 180.000 tấn/năm. Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2020 đưa tỷ lệ cà phê chế biến thành phẩm cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu lên hơn 25% so với mức chỉ 10% hiện nay.

Sau khi hợp tác với Bầu Đức, NutiFood tiếp tục M&A với cà phê Phước An để cho ra mắt sản phẩm cà phê sữa đá NutiFood, công ty chính thức đặt chân vào ngành cà phê. Ông Hải tại sự kiện ra mắt sản phẩm

"Nếu như thị trường nội địa tiêu thụ chủ yếu cà phê rang xay thì ở các nước phát triển, cà phê được tiêu thụ như một thức uống công nghiệp. Chính vì thế NutiFood muốn đi một con đường riêng là "đóng gói" ly Cà Phê Sữa Đá rang xay để phục vụ cho những người muốn uống cà phê sữa đá pha phin mà lại không có nhiều thời gian để pha chế", ông Hải cho hay.

Nhìn vào chiến lược của NutiFood cho thấy họ đã có sẵn những nền tảng cốt lõi để phát triển ngành hàng và đa dạng hóa sản phẩm. Tuy nhiên, chiến lược mở rộng này có thành công hay không lại là một thách thức không hề đơn giản.

"Nhiều người bảo tôi rằng, làm sữa tốt rồi nhảy vào cà phê làm gì. Tôi giải thích vì muốn giới thiệu thức uống đặc biệt của Việt Nam đến người tiêu dùng năm Châu. Tham vọng của Nutifood là muốn bạn bè thế giới khi nhắc đến Việt Nam ngoài phở, áo dài, Vovinam, còn có cà phê sữa đá" ông Hải chi biết.

Cũng theo ông Hải, thị trường đầu tiên mà ông nhắm đến sẽ là Mỹ vì ông muốn chinh phục một thị trường gần như khó tính nhất thế giới để kiểm nghiệm sự thu hút của NutiCafe.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực F&B, ở mảng cà phê hòa tan, G7, Vinacafe, Nestle đã thống trị thị trường với gần 75% thị phần. Cà phê rang xay thì có tên tuổi lâu năm như Trung Nguyên, Thu Hà. Một số nhãn hiệu mới từng thâm nhập thị trường nhưng đều thất bại. Vinamilk cũng đã thất bại với Moment và không thể đưa ra nguyên nhân thất bại đã đủ để hiểu rằng, doanh nghiệp lấn sân sang một lĩnh vực mới như cà phê thực sự không hề dễ dàng trước bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Theo nghiên cứu của Euromonitor, thị trường cà phê hòa tan toàn cầu trị giá 28 tỉ USD. Thị trường cà phê hòa tan của Mỹ đang bị dẫn dắt bởi Nestle và Starbucks. Do vậy, tham vọng của ông Hải đưa NutiCafe vào thị trường Mỹ đang nhận nhiều sự hoài nghi của giới chuyên môn lẫn truyền thông.

Liệu NutiFood còn mở rộng sang những lĩnh vực nào khác? NutiFood sẽ thành công và biến mình trở thành một tập đoàn phát triển về dinh dưỡng, thực phẩm hàng đầu Việt Nam hay sẽ đón nhận thất bại như khi mở rộng hợp tác với Kinh Đô vào năm 2008?

Câu trả lời vẫn còn ở phía trước.

Kỳ 2: Từ việc hợp tác với Delori đưa sữa đặc trị vào thị trường Mỹ, lập liên doanh với Backahill mở nhà máy 20 triệu USD tại Thụy Điển đến ký kết hợp tác với tập đoàn hàng đầu Nhật Bản Asahi