1. Đối với nợ quá hạn tại các NHTM

Kết thúc 3 tháng đầu năm, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) ở nhiều ngân hàng tăng đột biến. Nợ nhóm 2 của PGBank tăng hơn 320% so với đầu năm, Vietcombank tăng gần gấp đôi, Sacombank tăng 80%, còn MB tăng 65%...
Nợ nhóm 2 chưa được xếp vào nợ xấu nhưng tình trạng dư nợ khoản vay quá hạn nhảy vọt bất thường cho thấy nhiều người đi vay không có khả năng trả nợ đúng hạn vì Covid-19, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu trong tương lai của ngân hàng.
Khi nợ nhảy sang nhóm 2, ngân hàng sẽ không được hạch toán khoản lãi dự thu vào thu nhập kèm theo tín dụng tăng trưởng thấp hoặc không tăng trưởng, nhiều nhà băng giảm lãi trong ba tháng đầu năm.
Bên cạnh nợ nhóm 2 phình to, tỷ lệ nợ xấu cũng có gia tăng ở nhiều ngân hàng quy mô lớn như Vietcombank, VietinBank, ACB, MB, Sacombank, cho đến các ngân hàng nhỏ hơn như PGBank, Kienlongbank...
MB, VietinBank, TPBank là ba ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh nhất trong ba tháng đầu năm. Ở VietinBank, nợ dưới tiêu chuẩn tăng gấp 5 lần từ mức 2.060 tỷ lên 9.700 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này nhảy vọt từ 1,16% lên 1,83%.
Còn ở MB, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn tăng lần lượt hơn 90% và 47% đưa tỷ lệ nợ xấu lên 1,62%. Nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ của TPBank cũng đều tăng hơn 60%.

2. Đối với nợ xấu tại các NHTM

Tại Saigonbank, nợ xấu nội bảng đã tăng 95% trong 3 tháng đầu năm 2020 lên 377 tỷ đồng chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của Saigonbank tăng mạnh từ 1,96% lên 2,65%.
Nợ xấu nội bảng của Sacombank tính đến cuối tháng 3/2020 ở mức 6.046 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ đồng so với đầu năm, kéo tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,94% lên 1,97%.
Ðáng lưu ý, hoạt động xử lý nợ của Sacombank có phần chậm lại khi lãi từ hoạt động khác giảm tới 76,6% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 71 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cũng chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Công tác phát mãi tài sản để thu hồi nợ xấu của Sacombank đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Báo cáo tài chính quý I/2020 của nhiều ngân hàng cho thấy, nợ nhóm 3, 4, 5 tăng, đẩy tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Ðơn cử, tại Kienlongbank, tính đến cuối quý I, giá trị nợ xấu tăng 5,7 lần lên 2.293 tỷ đồng, khiến tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tăng từ 1% lên 6,62%. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng từ 238 tỷ đồng lên 2.126 tỷ đồng, chiếm 93% giá trị nợ xấu. Theo thuyết minh của Kienlongbank, nợ nhóm 5 tại ngày 31/3/2020 gồm 1.895,7 tỷ đồng dư nợ các khoản cho vay một nhóm khách hàng với tài sản bảo đảm là cổ phiếu STB của Sacombank. Vừa qua, Kienlongbank đã chào bán 2 lần hơn 176,3 triệu cổ phiếu của STB, tương đương 9,3% vốn điều lệ STB. Sau khi không thành công trong lần đầu, Kienlongbank đã giảm giá khởi điểm 10%, xuống mức 21.600 đồng/cổ phiếu, nhưng vẫn chưa bán thành công. Năm 2019, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng này giảm 70% do phải hạch toán giảm các khoản lãi phải thu đã ghi nhận trong các năm trước theo phương án xử lý nợ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt đối với các khoản cho vay của khách hàng có tài sản bảo đảm là cổ phiếu STB.
TPBank cũng là ngân hàng có nợ xấu tăng tính đến hết quý I/2020, lên mức 1.884 tỷ đồng, tương đương tăng 53% chủ yếu do nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 61% lên 771 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,28% lên 1,87%.
Tương tự, Vietcombank ghi nhận giá trị nợ xấu tăng 7% lên 6.191 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,79% lên 0,82%; BAC A BANK tăng từ 0,69% lên 0,79%; SeABank tăng từ 2,31% lên 2,34%; VIB tăng từ 1,96% lên 2,19%; Nam A Bank tăng từ 1,97% lên 1,98%...
Báo cáo tài chính của quý I/2020 của VietBank cho thấy, nợ xấu nội bảng của VietBank tính đến cuối tháng 3/2020 ở mức gần 572 tỷ đồng, tăng 33 tỷ đồng so với đầu năm.
Nợ xấu tăng chủ yếu do nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 63%, đạt hơn 160 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,32% lên 1,36%.

3. Tình hình kinh doanh một số NHTM đã công bố BCTC quý 1/2020

Nhiều ngân hàng sụt giảm lợi nhuận mạnh chưa từng thấy như trong số 13 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý I/2020, xét về giá trị tuyệt đối, Vietcombank vẫn đứng ở vị trí quán quân với 5.222 tỷ đồng lợi nhuận, VPBank đứng vị trí thứ hai với hơn 2.900 tỷ đồng, 2 ngân hàng tiếp theo có lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng là VIB và TPBank. Năm nay, Sacombank đã tuột khỏi danh sách ngân hàng có lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng quý I.
Đến thời điểm này, đã có 5 ngân hàng công bố sụt giảm lợi nhuận trong quý I/2020. Cụ thể, lợi nhuận Vietcombank giảm 11%, Saigonbank giảm 31%, Bac A Bank giảm 27%, Kienlongbank giảm 23%, Sacombank giảm gần 7% so với cùng kỳ.
Dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ tới các ngân hàng, bao gồm cả ngân hàng lớn khi phải tăng cường giảm lãi suất, hỗ trợ khách hàng, lẫn các ngân hàng nhỏ, ngân hàng đang tái cơ cấu – vốn có sức chống chịu kém. Điểm chung của các ngân hàng là tín dụng trong quý I/2020 tăng rất chậm, khiến lãi thuần chỉ tăng nhẹ, thậm chí giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý I/2020, các hoạt động kinh doanh cốt lõi của Vietcombank tăng trưởng chậm hoặc giảm nhẹ khiến thu nhập lãi thuần của ngân hàng chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, cộng trích lập dự phòng rủi ro tăng tới 43% khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng giảm tới 11%.
Với Sacombank, mặc dù các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi vẫn tăng trưởng khá song lãi thuần từ hoạt động khác giảm gần 77% và chi phí hoạt động tăng khá mạnh: gần 21% là nguyên nhân khiến lợi nhuận trước thuế quý I/2020 của Sacombank đạt 987 tỷ đồng, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân lợi nhuận Saigonbank sút giảm quý I/2020 lại đến từ rất nhiều yếu tố: tín dụng và huy động đều sụt giảm, kéo theo lãi thuần giảm. Lĩnh vực dịch vụ cũng trong cảnh tương tự trong khi trích lập dự phòng rủi ro tăng 51% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này giảm 31,4% còn 48,3 tỷ đồng.
Còn Kienlongbank, do thu nhập phụ thuộc lớn vào tín dụng nên khi tín dụng quý I/2020 hầu như không tăng trưởng (chỉ tăng 1%), cộng với nợ xấu tăng mạnh, trích lập dự phòng phải tăng tới 64% khiến lợi nhuận sụt giảm còn 57 tỷ đồng (giảm 23%).
Tại BacABank, mức giảm lợi nhuận cũng tương tự (27%), song không phải do tín dụng tăng trưởng thấp, mà do chi phí huy động vốn tăng mạnh hơn doanh thu. Trong khi đó, các mảng kinh doanh khác cũng tăng chậm hoặc sút giảm.
Có thể thấy, Covid-19 không chỉ tác động tới tín dụng mà đang tác động mọi mặt đến các hoạt động của ngân hàng, từ dịch vụ, kinh doanh chứng khoán, kinh doanh ngoại hối đến các hoạt động khác.
Các ngân hàng có lãi tranh thủ tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro
Mặc dù dịch Covid-19 tác động mạnh đến các ngân hàng, song nhiều ngân hàng vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều trong quý I/2020. Trong quý, vẫn có tới hơn 60% ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng lợi nhuận dương với mức khá cao.
Cụ thể, trong 13 ngân hàng công bố báo cáo tài chính đến thời điểm này, có tới 8 ngân hàng vẫn duy trì lợi nhuận khả quan, đó là VPBank, VIB, TPBank, LienVietPostBank, VietABank, SeABank, VietBank và NCB.
Xét về tốc độ tăng trưởng, dẫn đầu là VietABank với mức tăng 3,5 lần (đạt gần 81 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 23 tỷ đồng). Một số ngân hàng khác có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao là: Vietbank lợi nhuận tăng gấp 2,3 lần và Seabank lợi nhuận tăng gấp 2,1 lần trong quý I.
Xét về giá trị tuyệt đối, ngân hàng lãi lớn nhất là VPBank với hơn 2.900 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng 63% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ tín dụng tăng trưởng tốt, các hoạt động kinh doanh khác đều mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, thu nhập phí thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng riêng lẻ tăng 49,4%. Hoạt động kinh doanh và đầu tư chứng khoán cũng mang lại doanh thu cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Các ngân hàng có lợi nhuận tốt và mức tăng trưởng cao tiếp theo là: VIB lợi nhuận tăng 33%, TPBank và LienVietPostBank có mức tăng trưởng lợi nhuận 18%. Riêng NCB có mức tăng trưởng lợi nhuận 12,4%.
Một điểm chung dễ nhận thấy là trong quý, tranh thủ lợi nhuận khả quan, hàng loạt ngân hàng đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro để chuẩn bị đối phó với nợ xấu đang có nguy cơ tăng mạnh.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng dự báo, quý II/2020, lợi nhuận sẽ sụt giảm mạnh do các ngân hàng đồng loạt giảm lãi vay, giãn nợ, cơ cấu nợ để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Bên cạnh đó, trích lập dự phòng tăng mạnh cũng ăn mòn đáng kể lợi nhuận ngân hàng.

4. Giải pháp tại các NHTM đối với nợ xấu, nợ quá hạn

Trong bối cảnh nợ xấu và nợ cần chú ý tăng mạnh do ảnh hưởng của Covid-19, một số nhà băng tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng như tấm đệm chống đỡ. Chẳng hạn MB tăng tới gần 120% chi phí dự phòng rủi ro, TPBank tăng gần 110%. Ngoài ra, Vietcombank cũng tăng hơn 40%, còn VietinBank tăng 36% chi phí này.
Hiện tại, Thông tư 01 cho phép các nhà băng giữ nguyên nhóm và cơ cấu nợ cho các khoản vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy nhiên, Phó giám đốc quản trị rủi ro tín dụng của một nhà băng có vốn nhà nước cho hay, việc tái cơ cấu hay đẩy mạnh cho vay có thể cứu những doanh nghiệp khó khăn tạm thời trong một - hai kỳ. "Nhưng với những doanh nghiệp sức chống chịu kém và không thích nghi kịp thì việc giãn nợ cũng chỉ mang tính kéo dài thời gian chết vì cơ bản thị trường đã không còn như xưa", ông nói.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước mới đây cho biết dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống. Theo dự báo của cơ quan này, với kịch bản tốt nhất là dịch được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã phân loại sẽ ở mức 2,9-3,2% vào cuối quý II và 2,6-3% vào cuối 2020. Tuy nhiên, kịch bản này đã không xảy ra.
Còn nếu dịch được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này theo Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lên 4% và 3,7% tương ứng cuối quý II và cuối năm nay. Thậm chí, nợ xấu có thể còn cao hơn, ảnh hưởng đến tiến độ cơ cấu, xử lý của các ngân hàng và khả năng phục hồi các nhà băng yếu kém.
Với những phân tích tại bài viết “Cổ đông ngân hàng bâng khuâng chuyện cổ tức” (https://bit.ly/2Yc2JMt) như vậy câu chuyện nợ xấu có liên quan cổ tức hay ko ?
Thì một trong những lý do chính khiến các nhà băng không chia cổ tức hoặc chỉ chia bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt là do áp lực của nợ xấu. Bởi lãi báo “khủng” nhưng thực chất chủ yếu là lãi ảo.
Nợ xấu của các tổ chức tín dụng thường báo cáo dưới 3% tổng dư nợ, song đây chỉ là nợ “nội bảng”, còn bản chất nếu tính cả nợ ngoại bảng, tức các khoản nợ tiềm ẩn rủi ro, là rất lớn. Để giúp các nhà băng có thêm thời gian xử lý nợ, ngân hàng nhà nước cho phép bán nợ cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Khi bán nợ cho VAMC, tổ chức tín dụng sẽ được hưởng một số cơ chế liên quan. Cụ thể, VAMC phát hành và dùng trái phiếu đặc biệt để mua lại nợ xấu các ngân hàng. Trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm, các ngân hàng được giãn trích lập dự phòng trải đều qua từng năm kỳ hạn trái phiếu.
Theo đó, thay vì phải trích lập dự phòng rủi ro 100% ngay cho những khoản nợ xấu, hoặc một tỷ lệ cao hơn 20% tuỳ mức độ quá hạn của mỗi khoản nợ xấu bán sang VAMC như thông thường, thì ngân hàng được cơ chế trích lập dự phòng rải ra trong 5 năm, mỗi năm 20%.
Cũng vì chưa phải trích lập dự phòng rủi ro ngay toàn bộ cho lượng nợ xấu đã bán sang VAMC, cho những khoản lẽ ra phải thực tế trích lập cao hơn, nên một phần lợi nhuận những năm vừa qua và hiện nay của nhiều ngân hàng vẫn đang nợ ở đây, không bị cắt bớt như trích lập thông thường.
Tổng hợp báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2018 của 21 ngân hàng đã công bố cho thấy, tổng giá trị số trái phiếu VAMC đang nắm giữ lên tới hơn 100.000 tỉ đồng, tăng hơn 5% so với năm trước. Trong khi đó, dự phòng cho số trái phiếu này chỉ ở mức chưa đến 20.000 tỉ đồng. Đến năm 2019 VAMC đã triển khai mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) của 381 khoản nợ đạt 20.544 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, giá mua nợ là 19.846 tỷ đồng.
Điều đó cho thấy những khoản nợ xấu của các nhà băng hiện nay còn rất lớn. Đây chính là nguyên nhân mà NHNN đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC, thay thế cho Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 6.9.2013 của NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC.
Trong đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt không chia cổ tức bằng tiền mặt để nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán. Chính vì nguyên nhân đó mà không ít nhà băng nếu trích lập hết dự phòng rủi ro cho các khoản nợ bán sang VAMC thì sẽ không còn lợi nhuận. Do vậy, việc bổ sung để đảm bảo các tổ chức tín dụng có khoản nợ xấu bán cho VAMC nhận trái phiếu đặc biệt tập trung nguồn lực để xử lý nợ xấu.