Sell In May là gì và hiệu ứng của nó nhìn từ VNINDEX

Trong tháng 4, VN-Index đã vượt thành công mức đỉnh lịch sử năm 2018 và lập đỉnh ở mức 1.268,28 điểm vào ngày 20/4. Trong khoảng thời gian hơn 1 tuần trước khi kết thúc tháng 4, thị trường chứng khoán biến động rung lắc với những nhịp tăng, giảm điểm đan xen. VN-Index chỉ duy trì được đà tăng ở một số thời điểm nhờ lực đẩy của một vài cổ phiếu trụ cột.

Diễn biến trên được nhiều chuyên gia đánh giá đến từ những nguyên nhân chính đó là áp lực căng margin ở các công ty top đầu bởi lượng nhà đầu tư mới vẫn tăng mạnh trong tháng 3 và tháng 4. Nguyên nhân tiếp theo là mặt bằng định giá chung của thị trường lên một mức cao gần tiệm cận các mức định giá trong lịch sử khoản 10 năm trở lại đây. Cùng với đó, các thông tin về siết tín dụng vào bất động sản và chứng khoán được lan truyền trên mạng với tần suất dày đặc. Cuối cùng là lo ngại về diễn biến dịch Covid-19 phức tạp tại các nước láng giềng như Campuchia, Lào hay Trung Quốc làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh sang Việt Nam.  

Bước sang tháng 5, như thường lệ, tâm lý nhà đầu tư sẽ chịu ảnh hưởng bởi câu ngạn ngữ "Sell in May and go away" (Bán hết cổ phiếu vào tháng 5 và đi chơi) ám chỉ việc thị trường chứng khoán tháng 5 thường trống thông tin và giảm giá của giới đầu tư Mỹ. Tương tự như ở thị trường Việt Nam, thông thường tháng 5 cũng là khoảng thời gian trống thông tin khi các tin tức vĩ mô quan trọng đã được công bố, kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp cũng kết thúc, mùa đại hội đồng cổ đông của các doanh nghiệp cũng dần qua đi.

Thống kê lịch sử giao dịch thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 5 cho thấy số lần giảm điểm của VN-Index đang nhỉnh hơn. Kể từ năm 2001, VN-Index này có 12 năm giảm điểm và 8 năm tăng điểm. HNX-Index giảm 8 năm và tăng 7 năm (chỉ số này đi vào hoạt động từ năm 2006) ở tháng 5. Trong năm 2020, VN-Index và HNX-Index đều tăng điểm ở khoảng thời gian này trước làn sóng của nhà đầu tư "F0".

Biến động của VN-Index. Đơn vị: %.

Biến động của VN-Index. Đơn vị: %.

Biến động của HNX-Index. Đơn vị: %.

Biến động của HNX-Index. Đơn vị: %.

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc môi giới hội sở của Mirae Asset Việt Nam, về mặt xác suất, tháng 5 có xu hướng giảm nhiều hơn nhưng mẫu số khảo sát là khá nhỏ và không đủ tin cậy vì vậy câu "Sell in May' cũng chỉ là một câu thể hiện tính mùa vụ và tâm lý của thị trường. Mở rộng hơn về năm ngoái khi đại dịch bùng phát thì tháng 5 lại là thời điểm có mức tăng khá tốt với hơn 12% về điểm số cho VN-Index. Điều này được giải thích bởi thị trường đã giảm quá sâu về 650 trong tháng 3 và dòng tiền bắt đáy đã đem lại một tháng 5 tươi đẹp. Từ đó cho thấy viêc dự phóng tháng 5 nên tham khảo nhiều hơn xu hướng tổng và trạng thái thị trường giai đoạn trước đó.

Thời gian qua, thị trường trải qua một sóng tăng kéo dài từ tháng 8 năm ngoái tới đây cùng với đó là những thông tin bất lợi được lan truyền như áp lực marin, sự phức tạp của Covid-19.... nên tháng 5 khả năng sẽ là một giai đoạn biến động mạnh và phân hoá rõ nét của thị trường. Ông Tuấn cho rằng xác suất giảm có lẽ đang cao hơn nhưng cũng chỉ là những điều chỉnh nhẹ nhàng và phân hoá.

 Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Khối Phân tích của CTCK VNDirect 

Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận kinh tế vĩ mô & chiến lược thị trường, khối phân tích, Chứng khoán VNDirect cho rằng thị trường sẽ khó duy trì được xu thế đi lên mạnh như trong những tháng vừa qua. Thị trường đang cần một nhịp nghỉ để kết quả kinh doanh theo kịp với đà tăng mạnh của các chỉ số chứng khoán và kéo mặt bằng định giá về mức hấp dẫn hơn. VN-Index được dự báo sẽ dao động trong vùng 1.150-1.300 điểm trong tháng 5 này.

Dự báo của ông Hinh được đưa ra dựa vào luận điểm là tháng 5 thường là giai đoạn thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ sau khi mùa ra báo cáo kết quả kinh doanh quý I và đại hội đồng cổ đông của các doanh nghiệp niêm yết đã qua đi. Bên cạnh đó, một số rủi ro đang tăng lên gồm nguy cơ dịch Covid-19 quay trở lại Việt Nam và lạm phát tăng cao trong quý II do giá xăng dầu tăng mạnh. 

Chuyên gia đến từ VNDirect cho rằng thị trường sẽ tiếp tục phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu trong tháng 5. Dòng tiền sẽ hướng đến các nhóm ngành có triển vọng kinh doanh tích cực trong quý II/2021 bao gồm ngành ngân hàng, bất động sản, bán lẻ.

Dòng vốn ngoại có quay trở lại?

Một điểm được cho ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư đó là giao dịch của khối ngoại. Dù dòng vốn này mua ròng trở lại trong tháng 4 nhưng tính về giá trị khớp lệnh họ vẫn bán ròng một lượng rất lớn với gần 4.300 tỷ đông. Ông Đinh Quang Hinh nhận định xu hướng bán ròng của khối ngoại khó có thể đảo ngược trong một sớm một chiều trong bối cảnh rủi ro từ Covid-19 vẫn hiện hữu. Dòng tiền đầu tư quốc tế có xu hướng tìm đến những thị trường phát triển (vốn được coi là có mức độ rủi ro thấp hơn) trong khi rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên. Triển vọng phục hồi mạnh của nền kinh tế Mỹ trong năm 2021 cũng như xu hướng tăng lên của lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng là nhân tố hút dòng tiền đầu tư quay trở lại Mỹ. Việc quỹ ETF Fubon được thành lập và bắt đầu giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt Nam là một thông tin tích cực. Tuy nhiên, để đảo ngược xu hướng bán ròng của khối ngoại trong ngắn hạn là tương đối khó khăn. Nhìn chung, ông Hinh cho rằng khối ngoại vẫn sẽ duy trì xu hướng bán ròng trong quý II/2021 mặc dù đà bán ròng sẽ giảm thiểu đáng kể so với giai đoạn tháng 3 năm 2021.

Ông Huỳnh Minh Tuấn có quan điểm tích cực hơn về vấn đề này khi cho biết dòng vốn ngoại nếu bóc tách trong khoảng thời gian 2 tuần qua thì tổng thể sẽ đang mua ròng với giá trị vượt trội từ phía Fubon FTSE Vietnam ETF. Trong khi đó, các nhóm bán và cơ cấu danh mục còn lại vẫn đang tiếp diễn, đến từ Hàn Quốc, các ETF từ Mỹ và Liên minh châu Âu EU. Có thể nhìn nhận khúc này dòng vốn ngoại đã giảm đáng kẻ mức ảnh hưởng của mình tới thị trường bởi tỷ trọng giảm dựa trên trung bình thanh khoản giao dịch. 

Tuy nhiên về trung hạn ông Tuấn nhận định với tình hình vĩ mô và phòng dịch tốt chắc chắn thị trường sẽ hút cầu từ ngoại khối, các dòng vốn kỳ vọng vẫn tới từ Đông Bắc Á và khả năng tới từ Mỹ và EU cũng rất đáng chờ đợi nếu việc IPO Vinfast thành công.