Đằng sau cái bắt tay với Vinamilk: Kido định hướng đi sâu hơn vào ngành hàng thiết yếu với thương hiệu nước Vibev, quý 3 cũng quay về mảng bánh kẹo

Thông tin đáng chú ý mới đây, CTCP Tập đoàn KIDO (KDC) cùng CTCP Sữa Việt Nam đã ký thỏa thuận ghi nhớ liên quan đến việc thành lập liên doanh trong lĩnh vực nước giải khát- kem. Trong đó, tỷ lệ vốn góp của VNM là 51%, còn KDC là 49%.

Lĩnh vực liên doanh của hai bên là sản xuất kinh doanh nước giải khát, (bao gồm các loại nước có lợi cho sức khoẻ, trà, trà sữa… không bao gồm các loại có ga), sản xuất và kinh doanh các loại kem và thực phẩm đông lạnh.

Thông tin này được đưa ra ngay trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Thực phẩm đông lạnh Kido – KidoFoods (KDF) nhằm thông qua phương án sáp nhập vào Tập đoàn mẹ Kido với tỷ lệ hoán đổi 1:1,3.

Chia sẻ tại Đại hội, đại diện phía KDC cho biết đây là xu hướng kinh doanh mới, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp ngoại đang đẩy mạnh thâm nhập thị trường Việt. Mới đây, Bộ Chính trị cũng đã đưa ra chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp nội bắt tay với nhau nhằm củng cố sức mạnh, tận dụng lợi thế (am hiểu được người tiêu dùng trong nước) từ đó tạo nên sức mạnh lớn hơn, hạn chế tình trạng bị thâu tóm bởi tay chơi bên ngoài lãnh thổ.

"Sau những cuộc họp hai bên thấy có những tương đồng với nhau, đây là 2 thương hiệu quốc gia. Trong đó, VNM là thương hiệu dẫn đầu ngành sữa. Còn KDC hiện dẫn đầu kem và giữ vị thứ 2 ngành dầu Việt Nam. Nói về liên doanh sắp đến, đây là sự kết hợp giữa hai doanh nghiệp trong nước hướng đến xây dựng thương hiệu nước uống Việt Nam – Vibev", đại diện KDC chia sẻ tại Đại hội sáng nay.

Hiện nay tại Việt Nam có Thaibev, và Vietbev dự kiến sẽ là một Tập đoàn đồ uống thứ hai - Việt Nam Beverge, đại diện KDC phân tích.

"Quy mô ngành nước lớn, KDC nếu thâm nhập được, trụ lại được thì dư địa tăng trưởng rất nhiều"

Có thể thấy rằng, Kido từng là tên tuổi lớn trong ngành bánh kẹo với thương hiệu Kinh Đô. Tập đoàn đã quyết định rời sân chơi nhiều năm trước đây, và một trong những nguyên nhân theo Đại diện là quy mô thị trường không đủ lớn.

Tuy nhiên, định hướng của Tập đoàn vẫn sẽ càng ngày càng đi sâu vào ngành hàng thiết yếu, trong đó ngành nước dự báo có quy mô lớn hơn nhiều so với ngành bánh kẹo trước đây. "Quy mô ngành nước lớn, KDC nếu thâm nhập được, trụ lại được thì dư địa tăng trưởng rất nhiều", vị này nhấn mạnh.

Phân tích sâu hơn, người trong cuộc dẫn chứng quy mô ngành nước đang tăng rất mạnh. Ghi nhận, dung lượng thị trường hiện đang vào mức 123.558 tỷ đồng, tức tăng 8,4% từ năm 2015. Con số này dự kiến tăng hơn 6% cho giai đoạn 2020-2023, với quy mô dự đạt 134.302 tỷ đồng.

Hiện, ngành nước hiện chia làm 6 nhóm, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là nước giải khát không ga với tỷ trọng 41%, nước ngọt có ga xếp thứ 2 với 22%, nước tăng lực chiếm 17%, nước dinh dưỡng 9% và nước chức năng đạt 5% còn lại. Trong đó, nước giải khát không ga chứng kiến sự tăng mạnh, từ mức 29.694 tỷ doanh thu (năm 214) lên 50.782 tỷ đồng vào năm 2019. Ngược lại, nước ngọt có ga giảm mạnh, dù doanh thu tăng nhưng tỷ trọng giảm từ 24% về 22% sau 5 năm. "Tỷ trọng từng nhóm ngành hàng đang thay đổi đáng kể theo thời gian, 2014-2019 nước ngọt có ga giảm mạnh, đây cũng là xu hướng tiêu dùng chung của toàn thế giới", đại diện KDC nói.

Đằng sau cái bắt tay với Vinamilk: Kido định hướng đi sâu hơn vào ngành hàng thiết yếu với thương hiệu nước Vibev, quý 3 cũng quay về mảng bánh kẹo - Ảnh 1.

Đằng sau cái bắt tay với Vinamilk: Kido định hướng đi sâu hơn vào ngành hàng thiết yếu với thương hiệu nước Vibev, quý 3 cũng quay về mảng bánh kẹo - Ảnh 2.

 

Vậy liên doanh có các lợi thế gì để tham gia thị trường tiềm năng này?

KDC cho biết, liên doanh sẽ tích hợp được thế mạnh về hệ thống kênh phân phối của cả KDC và VNM. Với quy mô kênh phân phối hợp nhất hơn 1 triệu điểm bán, tính nôm na mỗi ngày chỉ cần cứ 1 điểm bán tiêu thụ 1 chai nước, thì mỗi ngày liên doanh đã có thể tiêu thụ 1 triệu chai.

Cùng với đó, cả 2 đơn vị đều có năng lực về nhà máy sản xuất, đặc biệt là VNM có năng lực sản xuất rất lớn. Cộng thêm đó là năng lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm – đều là yếu tố được xem là tảng của 2 đơn vị.

Dĩ nhiên, còn có sự cộng hưởng về năng lực tài chính, quản trị, và lợi thế về mặt quy mô khi có sự hợp tác 2 bên sẽ giúp liên doanh hưởng lợi về giá nguyên vật liệu.

Mục tiêu của liên doanh cũng là đẩy mạnh xuất khẩu, bước đầu sẽ có sự hỗ trợ từ mạng lưới xuất khẩu 30 thị trường của VNM. Trong đó, VNM với lợi thế về thương hiệu, kênh phân phối cũng sẽ hỗ trợ cho KDC về ngành kem, bánh kẹo... đặc biệt thị trường xuất khẩu cũng như giảm được giá nguyên vật liệu. Hiện, giá nguyên vật liệu của VNM đang thấp hơn KDC 10-20% do VNM có lợi thế về quy mô, ông Trần Lệ Nguyên cho hay.

"Xa hơn, Tập đoàn khẳng định sau 5 năm sẽ quay về mảng bánh kẹo, dự kiến vào quý 3/2020. Tập đoàn sau khi sáp nhập KDF, sẽ tiến đến sáp nhập TAC và sau đó là Vocarimex (VOC) (dự kiến sau khi Nhà nước thoái vốn). Sau sáp nhập, KDC sẽ được cộng hưởng về phân phối..."