Tuổi thơ cơ cực và tính kiên định
Bà Tư Hường (Trần Thị Hường) sinh năm 1936, là con thứ tư trong một gia đình đông anh em, nghèo khó, phải bươn chải đi làm thuê, rồi làm đủ nghề từ buôn dầu dừa, đậu phộng, nhuộm đồ, đến máy may, buôn vải, mối rượu… từ ngày còn bé để có tiền lo cho gia đình. Bà Tư Hường kể rằng bà lớn lên trong hoàn cảnh gia đình thất bát, bà thậm chí còn chưa học hết lớp 5.
Tượng đài trên thương trường Việt với khối tài sản hàng tỷ USD chỉ học hết lớp 5
Bà nói: "Tôi phải đi ở, rồi đi học may, học nhuộm quần áo, đi bán hàng, từng bước đi lên... Sau khi lấy chồng, tôi làm về công nghiệp được năm năm, rồi sau đó thích làm bất động sản."
Năm 1975, năm người con của bà tìm cách ra nước ngoài và sau đó định cư tại Canada. Năm 1979, gia đình bà Hường chuyển vào Tp. Hồ Chí Minh định cư.
Người đầu tiên của Việt Nam thực hiện M&A các thương vụ triệu USD và đi lên từ bất động sản
Với số vốn tích cóp được từ thời kinh doanh ở Bình Định cùng tính cách tháo vát, bà Hường khéo léo trở thành nhà cung ứng thủy sản cho tổng công ty thủy sản Seaprodex vào năm 1982.
Bước ngoặt trên con đường kinh doanh của gia đình bà Hường là giai đoạn đất nước mở cửa những năm đầu thập niên 90.
Thương vụ thứ nhất là góp 45% vốn, bắt tay với chính quyền địa phương xây nhà máy bia ở Khánh Hòa. Sau vài năm, bà bán lại cho hãng bia San Miguel với giá 24 triệu USD và khoản lãi cho riêng bà là 5 triệu USD. Thành công của bà là nhờ nắm bắt xu thế: Trong giai đoạn mở cửa, các thủ tục hành chính nhiêu khê khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài nản lòng, họ chọn cách mua lại những công ty có sẵn thay vì xây dựng từ đầu.
Ít lâu sau, bà tiếp tục xây dựng nhà máy, lần này là Sài Gòn Cola ở quận Thủ Đức TPHCM. Nhà máy này được bán lại cho Coca Cola với giá 15 triệu USD, đem về cho các con của bà khoản lãi 1-2 triệu USD mỗi người, tùy theo vốn góp.
Tiếp tục với cách làm trên, bà đầu tư 5 triệu USD để xây nhà máy nước giải khát và sau đó bán cho Lipovitan giá 17 triệu USD.
Vào năm 1991, bà Tư Hường thành lập công ty TNHH Sơn Hải tại Gia Lai, hoạt động khai thác, buôn gỗ. Hai năm sau, năm 1993, bà Tư Hường thành lập Công ty TNHH Hoàn Cầu với số vốn 193 tỷ đồng và làm chủ tịch, kinh doanh bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng.
Đến năm 2015, tập đoàn Hoàn Cầu của bà đã tăng vốn lên 1.170 tỷ đồng, có 28 công ty thành viên hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau, mạnh nhất ở 2 mảng Khách sạn, du lịch và Bất động sản.
Trả lời với báo giới bà khẳng định "Tôi đi lên là nhờ buôn bán bất động sản." Chúng tôi hỏi về những khó khăn với nghề bất động sản, bà nói "Khi bước vô nghề, rất chông gai, phải chịu khó đủ chuyện, không phải dễ dàng."
“Bước chân tôi đi từng bước, ngoài ra không lợi dụng ai, ông nào. Tự tôi đi, thấy chân không vững thì không đi. Nếu có nhờ là khi tôi thấy việc đó đúng thì yêu cầu Nhà nước ký cho tôi, đó là nhờ về giấy tờ thôi.", bà chia sẻ trong một lần hiếm hoi trao đổi với truyền thông.
Đưa cuộc thi hoa hậu Hoàn Vũ về Việt Nam để khếch trương thương hiệu Tập đoàn Hoàn Cầu với khối tài sản khổng lồ
Dự án nổi bật nhất của Hoàn Cầu là Diamond Bay, tổng vốn đầu tư lên tới 4 tỷ USD, bao gồm 15 resorts, hơn 15.000 phòng khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng và 4.000 biệt thự trên biển cùng nhiều hạng mục khác như sân golf, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học khu vui chơi giải trí...
Địa điểm tổ chức cuộc thi hoa hậu hoàn vũ 2008 và là khối tài sản bất động sản rất lớn của Hoàn Cầu
Năm 2008, để khếch trương thương hiệu, Tập đoàn Hoàn Cầu cùng Ciat và Việt CEO thành lập Công ty Hoàn Vũ tổ chức cuộc thi hoa hậu hoàn vũ 2008 tại Diamond Bay. Chi phí xây dựng công trình khi đó lên tới 45 triệu USD và chi phí tổ chức sự kiện là 20 triệu USD. Đây là công ty đầu tiên thực hiện được sự kiện này, bản quyền cuộc thi thuộc tập đoàn của Tổng thống đương nhiệm Hoa Kỳ D. Trump
Bên cạnh Diamond Bay, Hoàn Cầu còn có Trung tâm thương mại và khách sạn Hoàn Cầu (Nha Trang Center), quy mô vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, diện tích đất 9.246m2, gồm tòa tháp đôi căn hộ - khách sạn cao 19 tầng, bao gồm 140 căn hộ cao cấp, 266 phòng khách sạn với đầy đủ nội thất và tiện nghi.
Ngoài ra, Hoàn Cầu có khu phức hợp dịch vụ thương mại và căn hộ cao cấp Diamond City, tổng vốn đầu tư dự kiến 15.000 tỷ đồng, diện tích đất 14,3ha tại Quận 7 TPHCM. Bên cạnh đó là các khu căn hộ Cantavil Hoàn Cầu, Khu căn hộ thương mại Đại phú, Khu căn hộ Saigonland.
Hoàn Cầu còn có một số mảng kinh doanh khác như Hạ tầng - Khu công nghiệp có đường bay Cam Ranh; Xây dựng - Sản xuất đá Granit thương hiệu Hoàn Cầu; Truyền thông - Y tế - Giáo dục có Trường Đại học Quang Trung Quy Nhơn, Trung tâm y khoa Saint Luke.
Ngân hàng Nam Á và căn nguyên của tranh chấp tài sản
Năm 1995, bà Tư Hường đặt chân vào ngân hàng Nam Á. Giờ đây, lãnh đạo chủ chốt của ngân hàng đều là người nhà, người quen của bà Tư Hường. Ông Nguyễn Quốc Mỹ và ông Nguyễn Quốc Toàn, 2 con trai bà Hường đều đang đảm nhiệm chức vụ trong Hội đồng quản trị ngân hàng Nam Á, trong đó ông Toàn là Chủ tịch còn ông Mỹ là Phó chủ tịch thường trực. Ngay thời điểm bà Tư Hường mất, Nam Á có tổng giá trị tài sản khoảng 75 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 38% so với cuối năm 2017. NamA Bank lãi 743 tỷ đồng trong năm ngoái, tăng trưởng tới 147% và vượt 132% kế hoạch cả năm. Sang năm 2019, Nam Á muốn tăng lợi nhuận lên 800 tỷ đồng và tài sản tăng lên 86 nghìn tỷ đồng.
Ba năm sau ngày bà mất, ông Nguyễn Chấn (96 tuổi), chồng của bà Trần Thị Hường đã tổ chức họp báo công bố thông tin tố cáo con trai chiếm giữ ngân hàng. Ông Nguyễn Chấn cho biết, vào giữa năm 2016, bà Tư Hường đau bệnh nên có giao cho con là Nguyễn Quốc Toàn (SN 1970) quản lý ngân hàng và Tập đoàn Hoàn Cầu, nhưng quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc về vợ chồng ông.
Ông Chấn cho rằng: "Lạm dụng sự tín nhiệm của gia đình, với sự cấu kết, tiếp tay của một số cá nhân, người con trai thứ của ông đã chiếm giữ hết tài sản của vợ chồng ông, giá trị ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng. Số tài sản này gồm: Cổ phiếu do Ngân hàng Nam Á phát hành; cổ phần tại các công ty trong hệ thống Tập đoàn Hoàn Cầu; các khoản đầu tư vào doanh nghiệp dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần".
Từ tháng 11/2017, ông Chấn không còn nắm giữ phần vốn tại Hoàn Cầu. Hiện nay, Tập đoàn Hoàn Cầu do Tổng giám đốc Phan Đình Tân nắm 99% vốn, giá trị 1.158 tỷ đồng, còn lại 1% do bà Nguyễn Tôn Nữ Như Hoàng sở hữu. Ông Phan Đình Tân cũng đồng thời là Phó Chủ tịch ngân hàng Nam Á.
Về phía ngân hàng Nam Á, từ năm 2015 bà Tư Hường chỉ còn sở hữu 0,47% vốn tại ngân hàng và ông Nguyễn Chấn chỉ còn nắm 0,82%. Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Toàn sở hữu 5% và công ty Rồng Thái Bình do ông Toàn làm Chủ tịch nắm 14,26% ngân hàng Nam Á.
Cuộc chiến gay gắt đến mức Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành khởi tố vụ án "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" dựa trên đơn tố cáo của ông Nguyễn Chấn cáo buộc con trai chiếm đoạt 30 ngàn tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD.)
Về phía ngược lại, 3 con gái của ông Chấn gồm Nguyễn Thị Xuân Hương, Nguyễn Thị Xuân Nữ và Nguyễn Thị Thanh Vân đã gửi đơn tố cáo và kêu cứu đến Bộ trưởng Bộ Công an, Viện KSND tối cao tố cáo 8 người gồm anh chị em trong gia đình và cha mình đã có hành vi vu khống.
Theo đơn, 3 người con của ông Chấn cho biết sau khi bà Tư Hường qua đời, 7 người con trong gia đình đã có hành vi phá hoại các hoạt động kinh doanh của gia đình, câu kết với người ngoài để chiếm đoạt tài sản của bà Hường để lại cho con cháu. Cụ thể, các anh em đã lợi dụng ông Chấn cao tuổi để nhờ ông đứng đơn tố cáo và yêu cầu xử lý hình sự khẩn cấp đối với ông Toàn.
Một bức tranh ly tán hiển hiện 3 năm sau ngày bà Tư Hường mất, đúng vào dịp giỗ đầu theo truyền thống của người Việt. Điều đã được chúng tôi dự báo trong một cuộc phỏng vấn gần 10 năm trước: cái bóng bà Tư Hường quá lớn và bà đã không xây dựng được thế hệ kế thừa.
Hoặc