Trải qua rất nhiều bước công phu, phối hợp hợp tác bao gồm cả đào tạo, tập huấn, nhiều phòng ban của HSX, HNX, VSD, đã sang Hàn quốc. Chuyên gia đã có thời gian dài làm việc tại Tp.HCM. Đầu tiên dự kiến cuối năm 2018 sẽ triển khai Hệ thống mới, sau đó lùi lại đến tháng 10/2019. Vì nhiều lý do, mốc này cũng lại trễ hẹn. Thế rồi Covid nổ ra làm gián đoạn quá trình.
Theo thông tin mới nhất, các chuyên gia đã có mặt, cách ly xong và sẽ bắt tay vào làm việc. Qui trình chuẩn cần phải có nhiều bước, trong đó test thử nghiệm không tải, có tải (vào các ngày T7, CN), sẽ mất một khoảng thời gian nhất định. Điều này là bắt buộc, không thể bỏ qua hay rút ngắn được. Cho nên, phải nhìn vào một thực tế là Hệ thống mới KRX sớm nhất sẽ có vào Quí 4/2021.
Việc Hệ thống cũ bị quá tải là lý do bất khả kháng. Tuy nhiên, đây có phải là điều bất ngờ, không tính nổi hay không? Ngay từ tháng 9/2020 khi dòng tiền mạnh dần lên, đặc biệt là ở Mỹ, đã xuất hiện thuật ngữ mới F0. Nếu có sự cẩn trọng, đặt ra những tình huống khác nhau, xây các kịch bản về dòng tiền tăng mạnh đột biến từ đội ngũ F0, có thể sàn Hose đã không tiếp nhận thêm một số công ty niêm yết mới. Chắc hẳn, đã có những giải pháp từ rất sớm để phòng ngừa.
Nhà đầu tư dù thắng hay thua, dù lỗ hay lời, tất cả đều sử dụng dịch vụ có thu phí từ Hệ thống giao dịch của Hose. Bên cạnh đó, họ cũng phải thực hiện các qui định khắt khe của UBCK. Chính vì đóng Phí, Thuế đầy đủ, tuân thủ chặt chẽ các Qui định đề ra, cho nên họ yêu cầu được phục vụ một cách tương xứng. Thiết nghĩ đây là điều chính đáng. "Nồi cơm chung" đó là Hệ thống giao dịch, ai chả giữ gìn. Nhưng giữ gìn có nhiều cách, họ chê bai không phải để phá, kêu ca không phải để lời. Bạn tôi có viết cuốn "Bức xúc không làm ta vô can", thật vậy, nhà đầu tư có bức xúc, nhưng họ bức xúc là đúng. Ngoài ra, họ cũng rất nhiều lần đề đạt những giải pháp khác nhau. Nhưng chưa bao giờ có một cuộc Họp báo nào để những người có trách nhiệm đứng ra giải thích, xin lỗi và cùng với NĐT tìm cách tháo gỡ. Hãy dẹp bớt cái tôi, để đứng về phía chúng tôi.
Cho dù mới đây UBCK có yêu cầu các công ty chứng khoán cho ý kiến về giải pháp xây dựng một Bảng mới, "tạm nhờ" giao dịch bên HNX một số mã niêm yết, nhưng cá nhân tôi thấy giải pháp này chưa chắc đã có hiệu quả, ảnh hưởng nhiều đến lợi ích hợp pháp của công ty chứng khoán, của công ty niêm yết. Ngoài ra, cũng ảnh hưởng đến việc tính toán nhiều bộ chỉ số. Có thể giải pháp nâng lô, nâng bước giá lên ở một con số hợp lý nào đó, sẽ khả dĩ hơn nhiều.
Như vậy, việc chúng ta phải chấp nhận "sống chung với lũ" trong một thời gian không hề ngắn là một thực tế. Vậy nên hành xử như thế nào? Ngoài phương pháp đầu tư, QTRR chuẩn mực, chúng ta cũng nên rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống. Thực ra, việc "nghẽn lệnh" vào buổi chiều (thường sau 14h), tức là bản chất là hết quota đặt lệnh, cũng không phải là việc quá nguy hiểm. Đối phó với việc này bằng cách chúng ta nên tận dụng cơ hội vào buổi sáng hay đầu giờ chiều để thực hiện các nhiệm vụ giao dịch mục tiêu. Nhưng việc nguy hiểm nhất lại là hiện tượng "đơ bảng", tức Bảng giá hiển thị sai.
Điều này tác động tâm lý ghê gớm, dẫn đến các hành vi mất kiểm soát của nhà đầu tư. Họ quá hoảng sợ bèn quăng lệnh MP, chốt bằng mọi giá. Không trách được, vì đa số còn khá non nớt, ít kinh nghiệm trong đầu tư. Dù ai có nói hòn than nóng đến đâu, nhưng tốt nhất cứ để người ta nắm vào tay, bị bỏng, rồi tự họ sẽ không bao giờ làm như thế nữa. Đầu tư chứng khoán cũng như vậy, cứ để họ bán tháo, cứ để họ hoảng loạn vài lần, rồi sau họ tự nhận ra hành vi đó là đúng hay sai, mất tiền hay được, lúc đó họ sẽ có kinh nghiệm hơn.
Với thanh khoản hiện nay, nhà đầu tư hãy luôn tin rằng việc hết cổ hay "múa bên trăng" là khó xảy ra. Cho nên hãy thật bình tĩnh mỗi khi có những hiện tượng "đơ bảng" hay "nghẽn lệnh". Nếu muốn mua tích lũy cổ phiếu nào, hãy tính toán vùng giá kỹ càng, đặt chờ, không sửa lệnh. Muốn bán cổ phiếu nào, hãy lựa khung giờ thích hợp, tránh các giờ cao điểm từ 9h20-10h20, từ 13h00-13h30. Nếu không xử lý được lệnh hôm nay, mai làm cũng được.
Xu hướng tất yếu của thị trường chứng khoán Việt nam trong năm 2021 là sẽ tăng trưởng vượt đỉnh lịch sử 1200. Những cú rung lắc chỉ là sự điều chỉnh trong xu hướng đi lên. Kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ hồi phục, dịch bệnh chắc chắn sẽ bị đẩy lùi. Quan trọng là đến khi đó, chúng ta có còn chứng kiến và thu hoạch được thành quả hay không. Muốn làm được, bên cạnh việc học hỏi tri thức, tích lũy kinh nghiệm, chúng ta phải rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng đối phó với những tình huống bất ngờ.
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Tiến sỹ Nguyễn Hồng Điệp - CEO tại CTCP Tư Vấn Đầu Tư S-Talk)
Hoặc