Tại sao lại gọi là "tạm", vì ngay cả con số nhỏ nhoi 2% đó cũng mới chỉ là tăng trưởng NAV, chưa chắc nhà đầu tư đã thu đủ khi chuyển hóa thành tiền. Tuy nhiên, dù có bạn đã chốt hết, có bạn còn nguyên cổ phiếu, nhưng việc cần làm là luôn cần review lại danh mục sau mỗi chu kỳ ngắn.
Rõ ràng, tham gia đầu tư chứng khoán là với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận. Nếu bạn chỉ cần đạt 2%/tháng đều đặn, một năm sẽ là khoảng 26%, tốt hơn rất nhiều các kênh đầu tư khác. Tuy vậy, việc tạo lợi nhuận đều đặn trong mọi tháng không phải là dễ. Ví dụ như tháng 1/2021 khi Vn-index giảm 4.3%, tôi nghĩ rằng nhiều nhà đầu tư bị giảm NAV trên 5%. Như vậy, nếu trong tháng 2 này, bạn đạt tỷ suất tăng trưởng NAV dưới Index, thì có thể coi là chưa hoàn mỹ. Với kết quả khảo sát nhỏ, chúng ta phải thừa nhận là tỷ lệ thành công không cao.
Trên thị trường chứng khoán có rất nhiều phương pháp đầu tư khác nhau. Dựa trên Phân tích cơ bản (FA) nhiều người dùng phương pháp Đầu tư tăng trưởng, Đầu tư giá trị, Đầu tư cổ tức, ... Còn trường phái Phân tích kỹ thuật (TA) có thể theo Momentum hoặc sử dụng các chỉ báo kỹ thuật như MA20 hay đường trend line. Về mặt bản chất, không có phương pháp nào là hoàn hảo trong mọi thời điểm. Tựa như võ công vậy, vùng trời này sẽ có vùng trời khác cao hơn. Đôi khi xuất hiện những "dị nhân kỳ tài", sáng lập ra những phương pháp riêng, tưởng rằng có thể "bách chiến bách thắng", nhưng nếu chủ quan, cũng sẽ ngậm trái đắng.
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Điệp - CEO tại CTCP Tư Vấn Đầu Tư S-Talk
Tháng 2 cho dù Index tăng hơn 100 điểm, nhưng đây là giai đoạn thị trường có nhiều cú "rung lắc" dữ dội. Nhìn chung vẫn chỉ là giai đoạn tích lũy đi ngang, chưa thể vượt mốc định mệnh 1200. Vậy chúng ta nên ứng xử như thế nào, sử dụng phương pháp đầu tư gì, trong những hoàn cảnh tương tự?
1. "Không để mất tiền": hãy giữ NAV như giữ con ngươi của mắt mình. Nếu trước đây, điểm cắt lỗ với cổ phiếu là 8-10%, bây giờ phải giảm xuống. Giảm xuống không phải là cắt lỗ liên tục, mà phải bắt đầu ngay từ khi "xuống tiền". Không mua đuổi, đua trần bằng mọi giá. Nghiên cứu thật kỹ các câu chuyện về cổ mình định mua.
2. Hạn chế dùng MR. Có những người "đánh kho" với tỷ lệ 2/8, hay dùng MR tỷ lệ 3/7 vào những lúc thị trường thuận, thì bây giờ phải thay đổi lại, chỉ nên dùng tối đa 5/5.
3. Hạn chế giao dịch lướt sóng. Khi thị trường đi ngang, lướt sóng sẽ không bù đắp được chi phí ứng, chi phí lãi vay, thuế và phí giao dịch. Nhiều khi bạn mua được cổ phiếu rẻ, tưởng chừng có lãi ngay trong phiên, nhưng T3 có khi lỗ hoặc hòa vốn.
4. Tích lũy cổ phiếu tốt theo phương pháp động học. Ai đó khuyên bạn, hãy tích lũy cổ phiếu tốt, khi có giá rẻ. Nhưng chúng ta là những NĐT cá nhân, tiền không phải là vô hạn, mua được 1 ngày, mai mua tiếp, là hết lực. Vậy nên làm như thế nào để gia tăng được cổ phiếu mục tiêu? Đầu tiên phải có một số lượng cổ phiếu nền nhất định, sau đó xác định khối lượng mua thêm, và dùng phương pháp động học để tích lũy. Ví dụ cụ thể: bạn có 5.000 HPG, bạn muốn tích lũy thêm 5.000 nữa. Khi Index giảm mạnh, hãy lựa thời cơ để ra tay. Mua 2000 cổ với giá 42. Khi Index bật lên, HPG tăng mạnh, hãy bán ra 1000 cổ với giá 44. Như vậy là đã tăng lên thành 6.000 HPG. Quá trình này lại tiếp diễn cho lần sau, mua 4000 cổ giá 43, bán 2000 cổ giá 45, thành ra tích lũy lên được 8.000 HPG. Mục tiêu sẽ hoàn thành khi có những cú rung lắc tiếp diễn.
5. Tìm kiếm cổ phiếu mạnh. Trong những giai đoạn thị trường đi ngang, việc làm tăng trưởng NAV sẽ khó khăn gấp bội phần lúc bình thường. Lúc này, sẽ có nhiều cổ phiếu mạnh hơn mặt bằng chung. Điển hình như nếu bạn đầu tư vào GIL, RAL hay VPB trong một tháng qua, thành quả là lớn hơn con số 10% của Index rất nhiều. Kể cả có "rung", nhưng cổ mạnh thường giảm chậm, tăng nhanh. Vậy cần phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng về các nhóm ngành, chọn ra những con ngựa khỏe nhất.
6. Trọng số hơn trọng tiền. Nếu trong những hoàn cảnh thị trường thuận lợi, nơi dòng tiền tìm đến có thể sinh lời dễ dàng, thì lúc này không hẳn như vậy. Thanh khoản cao chưa chắc đã làm lên thành công. Thay vì vậy, hãy đi theo giá trị nội tại nhiều hơn. Cá nhân tôi ưu tiên những cổ có P/E thấp, thanh khoản vừa phải.
Muốn chiến thắng được thị trường, việc đầu tiên phải "chiến thắng bản thân". Hãy dũng cảm hơn khi rung lắc, kiềm chế hơn khi hưng phấn. Ai cũng từng rơi vào hoàn cảnh "muốn bán phắt hết đi cho xong, bảng thì đơ, cầu thì thưa thớt, giá thì đỏ lòm". Còn khi xanh lét, thì lại nổi lên ham thích mua cho bằng được. Vậy mỗi khi rung lắc như thế, hãy thật bình tâm, nhắm mắt cầu nguyện, chờ cơn "điên" đi qua, rồi hãy quyết định. Hãy luôn nhớ rằng, chứng khoán luôn sống động, luôn thay đổi không ngừng. Những gì thuộc về "tính thời điểm" không làm thay đổi xu hướng trọng yếu được. Như vụ NĐT Mỹ đang "lo lắng" lạm phát, tất cả rồi sẽ qua đi mau chóng. Chỉ vài ngày nữa thôi, DJ sẽ lại tăng trở lại, như chưa hề có cuộc chia ly.
Chúng ta là những NĐT cá nhân, hay nói cách khác là "dân đen", yếu thế và manh múng. Nhưng chúng ta không thể cứ yếu ớt mãi được. Yếu ớt không ai thương xót chúng ta cả, càng làm cho chúng ta mất tiền. Phải học hỏi, phải rèn bản lĩnh, tiếp thu nhiều tri thức, tích lũy dần kinh nghiệm. Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể coi chứng khoán là kênh đầu tư đúng nghĩa.
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Tiến sỹ Nguyễn Hồng Điệp - CEO tại CTCP Tư Vấn Đầu Tư S-Talk)
Hoặc