Cơ duyên nào đưa ông vào Tân Hiệp Phát cùng người bạn học cũ?
Về Tân Hiệp Phát đúng là một cái duyên. Hồi đó tôi đang ở trong môi trường đại học, làm nghiên cứu. Bấy giờ tôi làm về mỹ phẩm, rất mạnh, chuyên đi tư vấn cho nhà máy P/S và chuyển giao công nghệ cho Colgate.
Một hôm phóng xe trong hẻm, tôi với ông Thanh gặp nhau, bọn tôi cùng ở Bình Thạnh. Thanh dừng xe hỏi: "Tư, mày đang làm gì? Có cái gì hợp tác được với tao không". Thì tôi cũng kể mình đang làm cái này cái kia, cũng nghĩ là câu hỏi bâng quơ thôi. Ông Thanh lúc đó đang làm chủ rồi, kinh doanh cũng được lắm.
Ai dè sau bữa đó, ổng đến nhà, kêu tôi qua làm chung. Tôi thấy cơ hội thì về thôi. Tại tôi biết ổng từ hồi đi học. Thật sự là tôi cũng rất nể ông Thanh. Từ ngày xưa ông đã rất mạnh mẽ, đặc biệt rồi. Ông Thanh với tôi sau đó làm nước giải khát.
Như vậy ngay từ lúc bắt đầu ông đã thấy tin tưởng Dr Thanh vì những ấn tượng trong quá khứ?
Không, chỉ nói vậy thôi chứ lúc đó tôi chưa tin đâu. Cái chính là tôi vẫn nhớ anh bạn từ trường Tây nhảy qua trường ta, nhảy cóc nhiều lớp nhưng chỉ 1 năm sau đã đạt giải toàn trường rồi. Tôi thấy đó là người có tầm đột phá. Nhưng thú thật lúc đấy tôi chưa nói tin được, có lòng tin đâu mà tin.
Vậy ông từ mảng mỹ phẩm sang làm nước giải khát có gặp khó khăn gì không?
Tôi là dân thực phẩm, làm flavor house (nhà hương) – sáng tác ra những hương liệu gốc nên kỳ thực cũng không quá xa cách với mảng nước giải khát. Tất nhiên từ mảng này sang mảng kia thì khó khăn là có. Tôi cũng chưa biết nhiều nhưng tôi tin là cứ nghiên cứu thì sẽ thành công.
Niềm tin này có là bởi vì tôi có trải nghiệm rồi. Tôi có phòng nghiên cứu ở công ty, có phòng nghiên cứu ở trường mà. Ngày nào tôi cũng mày mò, riết thì sẽ thành công thôi.
Trong cuốn sách chuyện nhà Dr Thanh, Trần Uyên Phương kể lại ông từng bị buộc là thày bất đắc dĩ của ông Thanh. Từ vị trí "thày" thành nhân viên của bạn mình, có bị ngược không?
Thật sự ai cũng nói vậy, giống như hồi trước làm thày giờ phải làm thày chứ, còn như vậy là đi xuống. Nhưng nói thế thôi, từ "thày" nghe hơi cường điệu. Ông Thanh với tôi học cùng lớp mà ổng có hoàn cảnh đặc biệt, học trường Tây nhiều nên chuyển sang trường Việt, nghe, học tiếng Việt hơi khó. Ổng thấy tôi học được bèn cặp cổ bảo "Kèm tao học đi".
Thời gian đầu cái gì ổng không biết thì ổng hỏi. Nhiều cái tôi cứ nói "cào cào", không biết cũng nói, ổng cứ chép lấy chép để. Nhưng vài tháng sau ổng khá rồi, hỏi ngược lại thì tôi bí nhưng phải khai thật là bí. Chứ nói "cào cào", nhố nhăng, ổng quật cho.
Sếp Thanh cực kỳ thông minh, hình như đó là tố chất, lại siêng nữa, nên cuối năm ổng được lãnh thưởng toàn trường. Mấy thầy cô nể lắm luôn. Có thầy ngạc nhiên còn bảo: "Lưu manh du đãng gì mà học siêu dữ vậy!".
Một người là "dân chơi", một người là "mọt sách", điều gì khiến ông dám chơi cùng Dr Thanh?
Ổng là dân chơi, phải nói là dân chơi thứ thiệt, nổi tiếng luôn. Đám du côn cũng sợ vì ông Thanh cũng du đãng lắm. Nói cái là đánh liền (cười), nên không cà chớn được với ổng đâu. Có lần bọn du đãng đến trường, ổng đánh văng 4 – 5 thằng ra ngoài luôn. Thầy giáo lúc đấy bảo: Thằng này công nhận giỏi võ ghê (Cười lớn).
Nên hồi hai thằng chơi với nhau, ai cũng hỏi tôi câu này. Tôi không biết trả lời sao vì chơi cũng phải có lý do chứ. Tất nhiên, chơi với ổng thì đâu thằng nào dám đụng vào tôi. Trước bọn nó hay chọc lắm, thấy mình yếu nó xông vào đánh chứ có cần lý do đâu. Thời hippy mà, thấy mặt ghét là đánh nên chơi với ông Thanh không thằng nào chọc vào (Cười lớn). Càng thân nhau thì tôi càng được an toàn!
Vậy ông Thanh thời còn là bạn học với sếp Thanh sau này có điểm gì khác biệt?
Thời đi học ông ấy là người mạnh mẽ, trong máu ông ấy luôn có sự chiến đấu, sau này đi làm, chất chiến đấu đó cũng không hề giảm xuống. Lúc nào sếp cũng chăm chỉ, làm việc rất căng nên công thức thành công của ông Thanh là fighting – chiến đấu. Ông ấy phải như thế thôi, để tồn tại trong trại mồ côi ngày bé, phải đấu tranh sinh tồn mà. Rồi lớn lên đi học, đi làm, chất đó vẫn vậy.
Tôi nhớ hồi đi học, ổng tuyên bố không đánh lộn nữa, nhưng khi mấy đứa đàn em chạy đến trường kêu khóc bị ăn hiếp, ổng nhảy vào can thiệp ngay. Ông Thanh máu lắm!
Làm việc với sếp Thanh ở giai đoạn đầu của Tân Hiệp Phát như thế nào?
Sếp Thanh hôm nào cũng làm việc với tôi đến khuya, lúc nào đủ thì ông ấy mới thả cho về, mà toàn đến 9 – 10 giờ tối. Câu chuyện trên trời dưới bể toàn về sản xuất, kinh doanh thôi. Tôi nghe như vịt nghe sấm nhưng nhiệm vụ vẫn phải báo cáo sếp là anh em nghiên cứu cần máy móc này kia, tiến độ đang làm đến đâu, vướng mắc ở chỗ nào... cái gì cũng phải báo cáo trực tiếp lên sếp Thanh.
Giai đoạn đó có lẽ tôi là người may mắn nhất khi được sếp huấn luyện nhiều nhất. Sếp cũng thường chia sẻ những khát vọng của mình. Hồi đó chưa có nhiều phòng ban như bây giờ, chỉ có bộ phận sản xuất với bán hàng. Tân Hiệp Phát lúc đó chỉ có 2 kỹ sư là sếp với tôi, còn lại là học 10/4 hết, có ai đâu.
Là dân khoa học phải nghe rất nhiều về kinh doanh, ông cảm thấy thế nào?
Thực sự là sếp Thanh nói nhiều nhưng ông ấy hay tếu nên vui lắm vì sếp biết mọi người làm mệt, căng thẳng. Chính ra sếp mới là người mệt nhất. Công ty lúc đó thay đổi nhanh lắm, có thể tính theo tuần, theo tháng.
Mà cách hướng dẫn kinh doanh của sếp Thanh cho nhân viên cũng rất đặc biệt. Ví dụ như tinh thần làm chủ chẳng hạn. Khi bắt đầu, sếp sẽ không nói thế nào là làm chủ nhưng khi bắt tay vào việc, sếp sẽ chỉ rõ những cái nào cần chu toàn, rồi cách tư duy như nào cho đúng. Sếp cũng hay đặt câu hỏi để mình trả lời kiểu: "Tư, nếu đây là tiền của mày, mày có dùng như vậy không?".
Trong Chuyện nhà Dr Thanh, Trần Uyên Phương mô tả ông Thanh là người nóng tính, mỗi lần họp là quát "đổ đình đổ chùa" mà ông là một trong những người phải nghe nhiều nhất. Hỏi thật, ông có giận ông Thanh không?
Ở Tân Hiệp Phát, người được la mắng nhiều nhất, nghe những câu nặng nề nhất thì số 1 là Madame Nụ - vợ sếp Thanh, tôi đứng thứ hai. Sếp Thanh rất nóng tính, trạng thái như thế nào thì sếp nói ra như vậy.
Giờ tôi làm đương nhiên tốt hơn, tinh thông hơn nên ít nghe la hơn, nhưng nói đúng nghĩa thì tôi nghiền được nghe sếp la. La của sếp là kiểu nói lớn tiếng, còn chủ yếu là tìm được điểm sai rồi phân tích bằng được nguyên nhân. Mình nói lý do chứ gì, sếp dí cho bằng được để xem có nguyên nhân chính xác là gì, giải pháp ra sao...
Sếp với tôi là bạn thì sếp có thể nói thêm vài câu, từ này kia, nhưng với lính chủ yếu là to tiếng để phân tích. Ông ấy muốn mọi người thành thật nhận rõ nguyên nhân là gì chứ đừng nói dối quanh co, lý do thì có hàng trăm cái, còn sếp thì muốn nguyên nhân. Thực sự nhân viên làm sai, sếp chịu hết chứ ai.
Tất nhiên hồi đầu tôi cũng phản ứng. Làm gì có chuyện nghe la mắng là khoái ngay được. Nhưng rồi trưởng thành lên, nhờ những lần sếp nóng tính như vậy mà mình hiểu được vấn đề, có uy tín với lính, rồi đạt được một số thành công nhất định mới hiểu được.
Sau tôi cũng đặt ra một slogan cho mình: "Sếp luôn luôn đúng, ông chủ luôn luôn đúng!". Sếp đưa ra yêu cầu gì thì tôi phải tìm cách thoả mãn cho Dr Thanh. Tinh thần: "Không gì là không thể" cũng từ đó mà ra. Nó quện lại với câu "không gì là không thể" vì phải nghĩ mình làm được mới làm chứ.
Nên giờ nói một câu danh dự là nhiều khi tôi thèm được nghe sếp la đó, nhưng đâu có được nữa vì tôi cũng nhiều việc, sếp thì đâu dành được hết thời gian cho mỗi tôi được. Ngày xưa sướng thí mồ!
Slogan "Sếp luôn luôn đúng" sẽ phụ thuộc quá nhiều vào người lãnh đạo, giả sử nếu người lãnh đạo có những sai lầm thì sẽ thế nào?
"Sếp luôn luôn đúng" đi từ trải nghiệm của tôi với Dr Thanh. Nhiều lần sếp chỉ ra vấn đề và thường xuyên nó không sai. Mặt khác, tôi xuất phát là dân làm khoa học kỹ thuật, cốt lõi của tôi là cải tiến sáng tạo – innovation, nên phải nói vậy để bản thân và đồng đội hiểu rằng đa phần sếp đúng.
Tôi muốn cho nhóm nghiên cứu hiểu rằng khi sếp đưa ra yêu cầu thì không bao giờ được nói không. Sếp đương nhiên có thể sai cái này, cái kia nhưng những chuyện mà sếp mới đưa ra thì tránh trường hợp viện cớ. Phải để trong đầu tư duy "không gì là không thể", cứ làm đi đã, sai thì sửa. Sếp cho sai và sếp bù cái sai đó bằng tài chính cá nhân. Vậy nên phải có ý thức làm, còn nghĩ không làm được thì làm sao mà cố!
Vì vậy tôi mới đặt câu đó thành slogan cho mình và đồng đội. Thật ra chúng tôi cũng đâu thành công hết đâu, nếu sếp luôn luôn đúng thì sản phẩm của tôi ra nhiều lắm rồi chứ, cũng thất bại quá trời!
Trong thời gian làm việc, có lần nào ông giận sếp Thanh không?
Giận chứ! Tôi giận chắc luôn! Có một lần giận lớn nhưng lại là kỷ niệm đẹp, tôi nhớ mãi. Lúc bấy giờ Tân Hiệp Phát lớn rồi, đã xây xong trụ sở ở Bình Dương, có nhà máy sản xuất bia hiện đại nhất Việt Nam, sản lượng đến 300 triệu lít/năm trong khi nhiều hãng đối thủ chỉ 180 triệu lít/năm thôi.
Sếp Thanh gọi tôi lên nói chuyện, tỏ ý không hài lòng. Nhưng ông ấy nói vờn lắm, đại khái chỗ này không được, chỗ kia không đạt. Đến 11h đêm sếp thả cho về.
Mai, sếp tiếp tục gọi lên văn phòng nói chuyện tiếp. Sếp bảo công ty đang lớn, sẽ lớn và lớn không tưởng tượng được, nếu tôi không chịu học, không chịu thay đổi thì "chia tay".
Phải tưởng tượng là tôi sốc đến như thế nào. Công ty lúc đó vừa xong được 3 nhà máy, máy móc chạy hết tốc lực không kịp giao hàng, đối thủ phải kính nể. Tôi suy nghĩ mãi không hiểu mình có vi phạm gì không. Gian dối, móc ngoặc thì không có. Tôi cũng làm như thiêu thân, ngày 14 tiếng ở công ty...
Sếp biết tôi bị sốc. Đến cuối buổi, ổng vỗ vai thật mạnh, nói: "Tao còn thay tao nữa huống chi mày!".
Sau vài ngày, tôi hiểu ra, sếp muốn mình học thêm, tiến bộ thêm. Hoàn thành công việc như bây giờ chỉ mới là năng lực cơ bản thôi, còn sếp muốn mình phải được gấp đôi để đẩy công ty lên nữa. Sếp thương yêu mình thì mới như vậy. Ổng muốn tôi tự tỉnh ngộ. Sau đó sếp thấy mình hiểu rồi thì bảo là công ty lớn lắm rồi, sẽ thuê rất nhiều người bên ngoài và để cạnh tranh.
Từ đó, tôi thay đổi, học như thiêu thân. Đó cũng là sự huấn luyện kiểu cho roi cho vọt, không dùng mỹ từ của sếp chứ ban đầu tôi giận, sốc lắm. Đang làm nhiều năm đàng hoàng với nhau lại đòi chia tay. Mà nói ngắn ngọn chứ không giải thích gì!
Kỳ 2: Tôi không bao giờ nghĩ ra ngoài rồi làm chủ đâu vì tôi đang làm chủ mà!
Hoặc