Trong đế chế đa ngành đã phát triển lên tới cả chục pháp nhân ấy, CTCP Đầu tư Phương Trang (Futa Corp) được xem như hạt nhân lõi trong hệ sinh thái mà đại gia Nguyễn Hữu Luận (SN 1966) đã dày công gây dựng.
Futa Corp
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Futa Corp được thành lập vào ngày 12/2/2003, hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực mua bán xe ô tô, vận tải hành khách, bất động sản và kinh doanh dịch vụ.
Hệ sinh thái của Phương Trang và đại gia Nguyễn Hữu Luận với mảng kinh doanh cốt lõi là vận tải
Futa Corp có vốn điều lệ ban đầu 700 tỷ đồng. Trong đó,3 cổ đông sáng lập chỉ nắm giữ 20% vốn điều lệ, bao gồm: ông Nguyễn Hữu Luận (góp 148 tỷ đồng, nắm giữ 19,22% VĐL), ông Nguyễn Đông Hòa (góp 1 tỷ đồng, nắm giữ 0,13% VĐL) và ông Nguyễn Hữu Luân (góp 1 tỷ đồng, nắm giữ 0,13% VĐL).
Sức ảnh hưởng của Chủ tịch Nguyễn Hữu Luận đối với Futa Corp trên thực tế có tính bao trùm lớn hơn nhiều số cổ phần mà ông trực tiếp đứng tên. Sự hiện diện và chi phối của vị đại gia sinh năm 1966 này tại hầu hết công ty thành viên trong “hệ sinh thái” phần nào thể hiện điều đó.
Dữ liệu của chúng tôi cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, Futa Corp chỉ báo lãi một lần duy nhất vào năm 2019, các năm trước đó đều báo lỗ lớn, có năm lỗ đến hơn 100 tỷ đồng.
Theo đó, năm 2019, doanh thu thuần của Futa đạt 328,4 tỷ đồng, lãi thuần ở mức 53 tỷ đồng. Tại thời điểm kết niên, tổng tài sản của Futa đạt 15.549 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 396,9 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 57,6% và 10% so với thời điểm đầu năm.
Việc vốn chủ sở hữu ở cuối năm 2019 thấp hơn nhiều mức vốn điều lệ mà công ty đăng ký (700 tỷ đồng) thể hiện tác động bào mòn vốn góp bởi kết quả kinh doanh thua lỗ qua nhiều năm.
Futa Bus Lines
Theo giới thiệu trên trang chủ, thương hiệu xe khách Phương Trang được ra đời từ một doanh nghiệp nhỏ với số lượng đầu xe chỉ từ 5 đến 10 xe khách các loại. Hiện nay, hãng xe này đang phục vụ hơn 20 triệu lượt khách mỗi năm, sở hữu hơn 250 phòng vé, trạm chung chuyển, bến xe và phục vụ hơn 1.600 chuyến xe đường dài và liên tỉnh mỗi ngày.
Tuy là lĩnh vực hoạt động lõi từ ngày khởi nghiệp - cuối năm 2002, nhưng phải đến tháng 4/2013, CTCP Xe khách Phương Trang Futa Bus Lines (Futa Bus Lines) mới được thành lập, chính thức khu biệt mảng kinh doanh lõi này ra một pháp nhân riêng.
Theo đó, Futa Bus Lines có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Hữu Luận góp hơn 185 tỷ đồng, sở hữu 92,67% vốn. Phần vốn còn lại được nắm giữ bởi ông Phạm Đăng Quan (5,83%) và bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh (1,5%).
Đến tháng 11/2015, cơ cấu cổ đông của Futa Bus Lines có sự xuất hiện của CTCP Taxi Phương Trang (Taxi Phương Trang) - một pháp nhân khác cùng nhóm - với tỷ lệ sở hữu 40% vốn.
Về kết quả kinh doanh, trong 4 năm trở lại đây, Futa Bus Lines luôn ghi nhận doanh thu tới 1.000 – 2.000 tỷ đồng mỗi năm, tuy nhiên lãi thuần thu về khá mỏng, chỉ vài tỷ đồng. Như năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của hãng xe này lần lượt đạt 1.329,5 tỷ đồng và 1.561,68 tỷ đồng; lãi thuần lần lượt ở mức 15,84 tỷ đồng và 8 tỷ đồng.
Năm 2019, doanh thu thuần của Futa Bus Lines đạt 2.156,9 tỷ đồng, lãi thuần chỉ là 1,78 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Futa Bus Lines đạt 2.488,56 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 223,8 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Futa Bus Lines hiện do ông Văn Công Điểm (SN 1977) đảm nhiệm.
Futa Express
Ngoài xe khách và taxi, tập đoàn Phương Trang còn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực chuyển phát nhanh với thương hiệu Futa Express, được điều hành và quản lý bởi CTCP Dịch vụ Chuyển phát nhanh Phương Trang Futa (Futa Express). Nên biết, Futa Express chính là công ty mẹ của CTCP Thương mại điện tử Vận Thông – đơn vị sở hữu ứng dụng gọi xe Vato – với tỷ lệ sở hữu đến 90% vốn.
Futa Express được thành lập vào tháng 4/2012, trụ sở chính đặt tại số 335 – 337 Lê Hồng Phong, quận 10, TP. HCM. Tại thời điểm cuối năm 2017, Futa Express có vốn điều lệ 25 tỷ đồng, trong đó nắm cổ phần chi phối là CTCP Vận tải và Dịch vụ Du lịch Phương Trang (Du lịch Phương Trang), với tỷ lệ sở hữu 96% vốn. Phần vốn còn lại được chia đều cho 2 cá nhân là ông Phạm Đăng Quan và ông Nguyễn Trí Dũng, mỗi người nắm giữ 2%.
Cập nhật đến ngày 13/11/2019, Futa Express có vốn điều lệ đạt 200 tỷ đồng. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật hiện do ông Trần Tuấn Dũng (SN 1976) đảm nhiệm.
Trong 4 năm trở lại đây, Futa Express ghi nhận doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, nhưng cũng chỉ báo lãi vài tỷ đồng. Như năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của công ty này lần lượt đạt 157,5 tỷ đồng và 167,3 tỷ đồng; lãi thuần tương ứng là 5,63 tỷ đồng và 1,44 tỷ đồng.
Năm 2019, doanh thu thuần của Futa Express đạt 244,4 tỷ đồng, lãi thuần ở mức 7,11 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 21,6% và 364,7%.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Futa Express đạt 265,9 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 92,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 34% và 67,7% so với thời điểm đầu năm.
Trong khi đó, công ty mẹ của Futa Express – Du lịch Phương Trang – lại không công bố danh sách cổ đông góp vốn. Tính đến ngày 11/12/2017, công ty này có vốn điều lệ 130 tỷ đồng. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật hiện do ông Trần Ngọc Duy (SN 1978) đảm nhiệm.
Ông Duy còn đứng tên tại loạt pháp nhân khác như Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Xây dựng An Hòa, CTCP Đầu tư Sài Gòn Phú Gia, CTCP Đầu tư và Phát triển BĐS Sơn Trà Đà Nẵng, CTCP Thương mại Sài Gòn Phương Trang, Công ty TNHH Hồng An Phú Quốc, Công ty TNHH Đăng Kim Long.
Năm 2019, doanh thu thuần của Du lịch Phương Trang đạt 39,64 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận thuần ở mức 55,8 tỷ đồng. Việc lãi ròng lớn hơn doanh thu thuần cho thấy, lợi nhuận của Du lịch Phương Trang chủ yếu đến từ cổ tức của các khoản đầu tư vào các công ty con và công ty liên kết.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Du lịch Phương Trang đạt 1.810 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 110,2 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 1,2% và 62,7%.
Hoặc