Dự án của công ty "sân sau" Trần Bắc Hà đổ bể
Như bài trước Dân Việt đã thông tin, dự án chăn nuôi bò giống, bò thịt tại Hà Tĩnh của Công ty Bình Hà được xác định đổ bể. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã thiệt hại lớn ở thương vụ này.
Theo cáo trạng, ngày 15/4/2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành quyết định số 1300, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nuôi bò giống, bò thịt tại Hà Tĩnh, chủ đầu tư là Công ty CP chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà).
Mục tiêu dự án là phát triển chăn nuôi bò giống, bò thịt theo quy trình công nghệ cao, với sản phẩm bò thịt chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.
Đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhà đầu tư và người nông dân trên địa bàn… Quy mô đầu tư dự kiến 150 nghìn con bò/năm, tổng vốn đầu tư dự kiến 4.223 tỷ đồng.
Dự án chăn nuôi bò của Công ty Bình Hà được xác định đổ bể, gây thiệt hại cho BIDV hàng trăm tỷ đồng.
Quá trình thẩm định của BIDV đối với việc vay vốn của Công ty Bình Hà, mặc dù Công ty Bình Hà không đủ điều kiện để cấp tín dụng theo chính sách tín dụng của BIDV, tuy nhiên quá trình thực hiện hợp đồng và giải ngân, BIDV Hội sở và BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đã 8 lần sửa đổi điều kiện cấp tín dụng, theo hướng bỏ qua 1 số quy định hoặc nới lỏng điều kiện để cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà.
Tính đến ngày 9/11/2018, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đã giải ngân cho Công ty Bình Hà số tiền vay gần 2,7 nghìn tỷ đồng, trong đó giải ngân dài hạn 99 lần với tổng dư nợ gốc là hơn 981 tỷ.
Do Đinh Văn Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà) đã nộp 5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, dư nợ dài hạn của công ty này còn hơn 976 tỷ đồng, thời hạn trả nợ đến năm 2025, tuy nhiên đến tháng 11/2018, Công ty Bình Hà đã không còn khả năng trả nợ.
Với giải ngân khoản vay ngắn hạn, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đã thực hiện 94 lần, tổng số tiền là hơn 1,7 nghìn tỷ.
Tổng dư nợ gốc của Công ty Bình Hà tại BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đến thời điểm khởi tố vụ án, tháng 11/2018 là hơn 1,4 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù không phải là thành viên của Công ty Bình Hà nhưng Trần Duy Tùng - con trai Trần Bắc Hà đã thao túng công ty này. Hoạt động kinh doanh của Công ty Bình Hà từ năm 2015 đến nay luôn lỗ luỹ kế hàng trăm tỷ.
Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2018 của Công ty Bình Hà, xác định kể từ khi Công ty này thực hiện dự án tháng 4/2015 đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty lỗ luỹ kế.
Số tiền tổng cộng lên tới hơn 915 tỷ đồng. Đến tháng 11/2018, tổng tài sản của Công ty Bình Hà chỉ còn 568 tỷ trên tổng dư nợ tính đến tháng 11/2018 là hơn 1,4 nghìn tỷ, mất cân đối thanh toán, không có khả năng thu hồi 890 tỷ đồng.
Sau quá trình định giá tài sản của Công ty Bình Hà, tổng số tiền BIDV không có khả năng thu hồi đến nay còn hơn 799 tỷ đồng.
Trần Bắc Hà nói sẽ lấy tiền doanh thu từ Lào, Campuchia về để trả nợ
Trần Lục Lang – nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rủi ro tín dụng
Trong vụ án này, bị can Trần Lục Lang – nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rủi ro tín dụng, thành viên Phân ban Quản lý rủi to tín dụng, đầu tư đã có hành vi ký phê duyệt trên các báo cáo của Ban Quản lý rủi ro tín dụng đề xuất cấp tín dụng, thay đổi điều kiện cấp tín dụng.
Trần Lục Lang đã ký phê duyệt các phiếu lấy ý kiến của Phân ban Quản lý rủi ro tín dụng, đầu tư để đề xuất cho vay, sửa đổi điều kiện cấp tín dụng.
Cùng với đó, trên cơ sở quyết định của Hội đồng quản trị, ông Lang đã ký các văn bản chỉ đạo Chi nhánh cho vay, giải ngân, sửa đổi 8 lần điều kiện cấp tín dụng.
Khi bị yêu cầu phải có trách nhiệm trong vụ việc,ÔngTrần Bắc Hà nói sẽ lấy tiền doanh thu từ đầu tư nông nghiệp ở Lào, Camphuchia về để trả nợ cho BIDV.
Bên cạnh đó, bị can này còn ký đề xuất Hội đồng quản trị gia hạn hợp đồng hạn mức năm 2016, đề xuất cấp hạn mức ngắn hạn năm 2017 đối với Công ty Bình Hà với các điều kiện ưu đãi trái quy định, gây thiệt hại cho BIDV.
Theo Trần Lục Lang, ban đầu chỉ biết Công ty Bình Hà là sản phẩm của liên danh giữa Công ty CP tập đoàn An Phú và Công ty CP tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, đến giữa năm 2018 mới biết công ty này là của ông Trần Bắc Hà, và ông Hà sử dụng công ty sân sau là Công ty CP tập đoàn An Phú do con trai làm chủ tịch để xin cấp phép đầu tư, thành lập Công ty Bình Hà.
Với Đoàn Ánh Sáng – nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách khách hàng doanh nghiệp, thành viên Phân ban Quản lý rủi ro tín dụng, đầu tư, người này cũng có nhiều sai phạm.
Cụ thể, ông Sáng ký quyết định thành lập tổ thẩm định chung, ký phê duyệt trên báo cáo của tổ thẩm định chung đề xuất cấp tín dụng.
Đoàn Ánh Sánh - Nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách khách hàng doanh nghiệp, khai đã đến đề nghị Trần Bắc Hà khắc phục hậu quả khi thấy dự án đổ bể.
Cùng với đó ký phê duyệt trên các phiếu lấy ý kiến của phân ban đề xuất cho vay, phân ban Quản lý rủi ro tín dụng, đầu tư để đề xuất cho vay, thay đổi điều kiện cấp tín dụng lần thứ 1 trái quy định.
Quá trình điều tra, ông Sáng thừa nhận vi phạm, nhưng do Trần Bắc Hà nhiều lần thúc ép, chỉ đạo ráo riết nên buộc phải ký.
Đáng chú ý, khi dự án của Công ty Bình Hà bắt đầu đổ vỡ, ông Sáng và Phan Đức Tú – Tổng Giám đốc có làm việc với ông Hà, yêu cầu phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả và hoàn tiền cho BIDV.
Lúc này Trần Bắc Hà đề nghị BIDV cho tái cơ cấu lại khoản vay của Công ty Bình Hà thêm vài năm, ân hạn lãi suất và thời hạn trả nợ, ông Hà sẽ lấy doanh thu từ hoạt động đầu tư nông nghiệp tại Lào, Campuchia để trả nợ cho BIDV khoảng 200 tỷ đồng/năm đến khi hết nợ.
Với nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, Tổ phó Tổ thẩm định chung Kiều Đình Hoà, ông này đã tiếp nhận, thẩm định, đề xuất phê duyệt cấp tín dụng, cho vay và ký các công văn báo cáo về việc Công ty Bình Hà xin vay vốn.
Con trai ông Trần Bắc Hà đã thao túng công ty "sân sau" của bố như thế nào?
Cùng với đó, ông Hoà ký báo cáo đề xuất tín dụng của Tổ thẩm định chung với vai trò Tổ phó, ký công văn và tờ trình đề nghị BIDV 8 lần sửa đổi điều kiện cấp tín dung.
Ngoài ra, ông này còn ký hợp đồng tín dụng dài hạn, hợp đồng tín dụng hạn mức, đề xuất gia hạn hợp đồng hạn mức, hạn mức tín dụng năm 2017 để cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà, gây thiệt hại cho BIDV.
5 bị can: Đoàn Ánh Sáng, Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Phạm Hồng Quang, Đặng Thanh Nam.
Nguyên nữ Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV chi nhánh Hà Tĩnh Lê Thị Vân Anh cũng được xác định đã tiếp nhận, thẩm định, đề xuất phê duyệt cấp tín dụng, đề xuất giải ngân và ký các báo cáo đề xuất tín dụng của Tổ thẩm định với vai trò thành viên.
Bà Vân Anh đã đề xuất giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh ký các công văn, tờ trình đề nghị BIDV sửa đổi điều kiện cấp tín dụng đối với dự án; trực tiếp tham gia vào việc giải ngân và quản lý sử dụng vốn vay của Công ty Bình Hà.
Quá trình điều tra, Vân Anh khai biết việc mình làm là sai, nhưng do khách hàng có mối quan hệ với Chủ tịch Hội đồng quản trị, đồng thời dự án được chính quyền ủng hộ, do vậy không dám từ chối.
Ngoài các bị can trên, còn nhiều người khác cũng được xác định có vai trò liên quan, mỗi người có trách nhiệm ở mỗi khâu thẩm định, đề xuất, phê duyệt cho vay…, tuy nhiên, xác định trách nhiệm chính, cao nhất và xuyên suốt chỉ đạo việc cấp tín dụng từ Hội sở đến Chi nhánh Hà Tĩnh thuộc về ông Trần Bắc Hà.
Xét vai trò tham gia của các cá nhân này, cơ quan điều tra xác định không cần thiết phải xử lý hình sự, đề nghị ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định xử lý phù hợp.
Hoặc