Bên kia chuyến tuyến, nhóm Kusto đại diện cho hơn 50% cổ phần được biểu quyết đã phủ quyết hình thức tổ chức ĐHCĐ trực tuyến.

Tổ chức ĐHCĐ trực tuyến để “né bão chất vấn”, căn cứ điều lệ không trình tờ trình miễn nhiệm HĐQT, yêu cầu thay đổi BKS hay những chiêu phản đòn ngoạn mục của Coteccons

Diễn tiến mới cho thấy, có vẻ như Coteccons không nhượng bộ như lời ông Nguyễn Sỹ Công, CEO đã phát biểu với truyền thông. Thay vào đó, họ bẻ lái dư luận cũng như những chất vấn căng thẳng sẽ đến từ nhóm Kusto bằng cách yêu cầu tổ chức ĐHCĐ trực tuyến cho lần đại hội sắp diễn ra.

Đồng thời, Coteccons sử dụng điều lệ công ty để không trình tờ trình miễn nhiệm HĐQT. Thay vào đó, Coteccons yêu cầu BKS phải được thay đổi hoàn toàn trong tài liệu họp đại hội cổ đông sẽ vào 30 tháng 06.

“Những yêu cầu của nhóm cổ đông này là không có căn cứ và cơ sở pháp lý nên không được chấp nhận”, đại diện Coteccons nói với truyền thông.

Văn bản được ký bởi bà Trần Anh Đào, Phó giám đốc Hose tạo điều kiện cho Coteccons "phản đòn" nhóm Kusto

Theo tìm hiểu của CafeBusiness, những hành động trên của Coteccons dựa vào văn bản số 281/SGDHCM-NY của Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (Hose) được ký bởi bà Trần Anh Đào, Phó giám đốc Hose vào ngày 05 tháng 03 năm 2020 về việc “Nhắc nhở thực hiện các quy định về quản trị công ty” gửi cho Coteccons.

Theo đó, Hose yêu cầu Coteccons phải tăng cường thực hiện việc quản trị công ty chặt chẽ và hoàn thiện việc bổ nhiệm Trưởng BKS là kiểm toán viên, kế toán viên chuyên nghiệp theo quy định tại khoản 3, điều 20, nghị định 71 của Chính phủ.

Thay vì phải thực hiện đúng yêu cầu của Hose, Coteccons lại đi ngược lại: bãi nhiệm tư cách trưởng BKS của ông Luis Fernando Garcia Agraz dựa vào tiêu chí “kiểm toán viên, kế toán viên chuyên nghiệp” và “thay đổi, cắt xén, chỉnh sửa 8 nội dung trong báo cáo của BKS để không công bố cho cổ đông” như đơn tố cáo vào ngày 5 tháng 5 năm 2020 của trưởng BKS Coteccons gửi cho Hose.

Động thái này của Coteccons buộc một người cũ của công ty là ông Đặng Hoài Nam, thành viên BKS Coteccons, người được cho là khá “thân thiết” với chủ tịch Nguyễn Bá Dương đã “liên kết” với Luis Fernando Garcia Agraz để tố lãnh đạo Coteccons nhiều nội dung như kỳ 8 CafeBusiness đã phản ánh.

Xem ra, Coteccons đã có những “phản đòn” cần thiết và vai trò của ông Trần Quyết Thắng, thành viên HĐQT độc lập đã được phát huy theo hướng ngã về nhóm Coteccons.

Nhóm Kusto phản đối quyết liệt dẫn đến nguy cơ “vỡ trận” tại Coteccons, vai trò của quản lý nhà nước ở đâu trong trận chiến khốc liệt này?

Trước những đòn “phản công quyết liệt” của Coteccons, nhóm Kusto lập tức phản ứng. Theo đó, nhóm Kusto phủ quyết những yêu cầu trên của ban điều hành Coteccons. “Theo biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, có 14 cổ đông sở hữu trên 51% số cổ phần có quyền biểu quyết của Coteccons đã không tán thành việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty nhằm cho phép tổ chức ĐHĐCĐ trực tuyến và biểu quyết, bầu cử từ xa và các hình thức bỏ phiếu khác.”

Nhóm Kusto đã phủ quyết các yêu cầu của ban điều hành Coteccons khiến ĐHCĐ không thể diễn ra vào 30 tháng 06

Với hành động của nhóm Kusto, cuộc chiến tại Coteccons có thể dẫn đến nguy cơ vỡ trận. Đại hội cổ đông không thể diễn ra vào ngày 30 tháng 06 tới đây nếu thiếu sự tham dự của nhóm Kusto.

Trước đó, ông Herwig Van Hove, CEO của The8th đã khẳng định: “Nếu nỗ lực tổ chức đại hội bất thường không thành công, thì nhóm cổ đông liên quan có thể bỏ qua luôn cuộc họp thường niên. Theo đó, Coteccons phải đứng trước nguy cơ không đạt được số lượng nhà đầu tư tối thiểu cần thiết để tổ chức đại hội thường niên.”

Có một vấn đề được đặt ra ở đây là: vai trò của Hose ở đâu trong cuộc chiến tại Coteccons? Tại sao Coteccons, một công ty niêm yết trên Hose, có doanh thu hằng năm hơn 1 tỷ USD có những mâu thuẫn không thể giải quyết lại không thấy Hose cho ý kiến và hướng giải quyết?

Trên thực tế, nhóm Kusto đã có đến 2 lần đề nghị và yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước thể hiện vai trò và chính kiến của mình để xử lý xung đột.

"Chúng tôi cũng yêu cầu Chủ tịch và Đại diện pháp luật của Coteccons mời đại diện các cơ quan thẩm quyền có liên quan bao gồm Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh tới tham dự và giám sát cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên để đảm bảo ĐHĐCĐ sẽ được tiến hành công bằng, minh bạch và phù hợp với pháp luật Việt Nam.” , văn bản được ký bởi ông Herwig Van Hove, CEO của The8th gửi cho các cơ quan có thẩm quyền.

Trước đó trưởng BKS Coteccons cũng gửi đơn tố cáo lên Hose vào ngày 5 tháng 5 năm 2020.

Nhưng tất cả yêu cầu trên đều không nhận bất kì phản hồi nào từ các cơ quan có thẩm quyền.

Lý do nào các cơ quan nhà nước mà trực tiếp là Hose không bất kì động thái gì để chỉ đạo để giải quyết những mâu thuẫn quá lớn tại Coteccons?

Tương lai của Coteccons như thế nào vẫn chưa được đón định. Mâu thuẫn ngày một leo thang đến đỉnh điểm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và hoạt động sản xuất kinh doanh của Coteccons.

Nhóm Kusto thắng hay nhóm của ông Nguyễn Bá Dương thắng trong cuộc nội chiến này vẫn chưa thể khẳng định. Tuy nhiên, những người chịu thiệt thòi nhất trong cuộc chiến này là các cổ đông nhỏ lẻ và cán bộ nhân viên tại Coteccons.

Kỳ 11: Diễn biến mới xoay quanh cuộc chiến tại Coteccons: Bộ Công an yêu cầu Newtecons, Ricons cung cấp tài liệu liên quan trước ngày 26 tháng 06