Suy thoái

Một năm sau khi Dell rời chức CEO, trong khi lợi nhuận và doanh thu tiếp tục tăng, tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng của công ty chậm lại đáng kể; cổ phiếu của doanh nghiệp mất tới 25% giá trị trong năm đó.

Doanh số bán hàng của công ty tăng trưởng chậm lại là do sự bão hòa của thị trường máy tính cá nhân, vốn đem lại tới 66% doanh thu cho hãng. Lợi thế về giá bán và chất lượng của Dell không còn được như trước, khi những đối thủ bám đuổi là Acer và HP bắt kịp được hãng nhờ vào việc cải tiến công nghệ sản xuất.

Trong bối cảnh laptop (máy tính xách tay) trở thành phân khúc phát triển tốt nhất của ngành sản xuất máy tính cá nhân vào thời điểm này, hãng bắt đầu sản xuất những dòng laptop giá rẻ tại Trung Quốc như nhiều doanh nghiệp khác trong ngành, qua đó xóa bỏ lợi thế về chi phí sản xuất của mình so với các đối thủ.

Michael Dell quay lại công ty do mình sáng lập với những cải cách mạnh mẽ để đưa Dell trở lại đỉnh cao trước đây

Thêm vào đó, việc phụ thuộc vào sản xuất máy tính, thay vì thâm nhập vào các phân khúc kinh doanh ngoài PC như lưu trữ, dịch vụ và máy chủ trong khi nhu cầu về loại sản phẩm này giảm buộc Dell phải giảm giá thành sản phẩm.

Thêm vào đó, họ tiếp tục trung thành với kênh bán hàng trực tiếp thay vì đưa sản phẩm qua các cửa hàng điện tử - vốn rất phát triển và thu hút nhiều khách hàng vào thời điểm này. Không dừng lại ở đó, mức chi tiêu thấp của Dell cho các hoạt động nghiên cứu (R&D) so với các đối thủ như IBM, Hewlett Packard và Apple đã khiến công ty tụt trong việc tiếp cận vào các phân khúc sinh lợi hơn, chẳng hạn như máy nghe nhạc MP3 và các thiết bị di động sau này.

Điểm trừ lớn nhất của Dell kể cả trong giai đoạn phát triển mạnh nhất của mình đó là dịch vụ khách hàng. Dịch vụ khách hàng của Dell được đánh giá là kém hơn nhiều so với các đối thủ, và vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn khi họ chuyển các trung tâm cuộc gọi ra nước ngoài. Cùng với việc tốc độ tăng trưởng vượt xa cơ sở hạ tầng hỗ trợ kỹ thuật của hãng, số lượng khách hàng quay lưng lại với công ty ngày một nhiều hơn.

Trong thời gian này, Dell đã nhận rất nhiều chỉ trích về chất lượng sản phẩm. Đầu tiên, họ nhận cáo buộc sử dụng các linh kiện bị lỗi cho máy tính của mình, đặc biệt là 11,8 triệu máy tính để bàn OptiPlex (GX270, SX270 và GX280) bị cho là bị lỗi tụ điện được bán cho các doanh nghiệp và chính phủ từ tháng 5 năm 2003 đến tháng 7 năm 2005.

Tháng 8/ 2006, Dell đã phải thu hồi hàng loạt pin máy tính do một chiếc laptop của hãng bốc cháy. Việc này gây ra tiếng xấu cho công ty, mặc dù sau đó các cuộc điều tra kết luận lỗi không thuộc về họ.

Năm 2006 đánh dấu năm đầu tiên Dell tăng trưởng chậm hơn so với toàn bộ ngành công nghiệp PC. Tới quý 4 cùng năm, Dell mất danh hiệu nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới vào tay đối thủ Hewlett Packard.

Cuộc khủng hoảng nêu trên đã buộc ban lãnh đạo công ty phải đưa ra những sự thay đổi. Năm 2006, Dell đã chi 100 triệu đô la chỉ trong vài tháng để cải thiện các vấn đề về dịch vụ khách hàng. Tháng 1/ 2007, Rollins từ chức CEO sau những thất bại nặng nề mà công ty phải gánh chịu; người thay thế ông không phải ai xa lạ mà chính là Michael Dell.

Michael Dell và những cải cách

Ngay sau khi trở lại làm Giám đốc điều hành, Michael đã công bố chiến dịch "Dell 2.0" nhằm thay đổi lại bộ mặt của công ty. Việc đầu tiên mà ông làm đó là cắt giảm những nhân sự không cần thiết ở bộ máy lãnh đạo, thay thế những vị trí quan trọng bằng những người mới.

Một năm sau khi quay lại vị trí CEO, Dell đã đóng cửa trung tâm hỗ trợ khách hàng qua điện thoại lớn bậc nhất của mình tại Ontario, Canada để cắt giảm chi phí. Công ty cũng đóng cửa những nhà máy sản xuất lớn và lâu đời tại khu vực Bắc Mỹ để chuyển sản xuất về châu Á và Mexico.

Một trong những cải cách của Michael Dell là sáp nhập với EMC2 để mang lại lợi thế cạnh tranh với các công ty khác

Tuy nhiên những cải cách này của Dell không thực sự mang lại nhiều hiệu quả, khi họ gặp khó trước các nhà sản xuất PC châu Á như Lenovo, Asus và Acer. Tất cả những nhà sản xuất này có lợi thế về chi phí và đều sẵn sàng chấp nhận biên lợi nhuận thấp hơn so với Dell cũng như HP.

Ngoài ra, trong khi các nhà cung cấp PC Châu Á đã cải tiến chất lượng và thiết kế của họ thì Dell lại không có quá nhiều thay đổi, dẫn đến việc mất thị phần vào tay các đối thủ này. Đặc biệt Dell đã mất rất nhiều khách hàng doanh nghiệp vào tay Lenovo khi mà dòng máy tính Thinkpad rất được ưa chuộng nhờ vào thiết kế đẹp, tiện lợi và độ bền cao.

Dell đã cố gắng bù đắp hoạt động kinh doanh PC đang giảm sút nhưng vẫn chiếm một nửa doanh thu và tạo ra dòng tiền ổn định cho hãng bằng cách mở rộng sang thị trường doanh nghiệp với máy chủ, mạng, phần mềm và dịch vụ, nhưng kết quả vẫn không mấy khả quan.

Hủy niêm yết và tình hình hiện tại

Do đó, tới năm 2013, thông qua một thương vụ mua lại và sáp nhập doanh nghiệp qua nguồn vốn đi vay từ Microsoft (LBO), Dell và Silver Lake Partners đã mua lại cổ phiếu của công ty và hủy niêm yết của công ty trên sàn chứng khoán Hong Kong và NASDAQ.

Dell lại trở thành một công ty tư nhân như cách đây nhiều năm. Vào tháng 7 năm 2018, Dell đã công bố ý định trở thành công ty đại chúng một lần nữa bằng cách trả 21,7 tỷ đô la (bao gồm cả tiền mặt và cổ phiếu) để mua lại cổ phần từ cổ phần của mình trong VMware. Tuy nhiên kế hoạch này đã gặp thất bại do cổ đông lớn Carl Icahn (nắm giữ 9.3% cổ phần của Dell) đã kiện công ty về kế hoạch niêm yết cổ phiếu. Cho tới nay, Dell vẫn là công ty tư nhân.

Mặc dù vậy, những cải cách của công ty về phương pháp kinh doanh, về cải thiện chất lượng sản phẩm và chính sách khách hàng sau năm 2013 đã giúp công ty dần cải thiện thời gian gần đây.

Hết năm 2019, doanh thu của Dell đạt 92.2 tỷ USD với lợi nhuận sau thuế 5.5 tỷ USD; tới năm 2020, họ tiếp tục tăng trưởng nhờ được hưởng lợi do việc bùng nổ các lớp học online do dịch Covid - 19, giúp cho số lượng máy tính bán được tăng cao.

Tới thời điểm hiện tại, Dell đã cải thiện được doanh thu của mình khi kể từ năm 2017 đến nay, doanh thu của hãng liên tục tăng. Dell vẫn là nhà cung cấp máy tính cá nhân lớn thứ 3 thế giới, sau HP và Lenovo và là công ty cung cấp màn hình PC lớn nhất thế giới.

Có đôi chút nuối tiếc cho Dell khi họ đã chậm chạp trong việc thay đổi bản thân dẫn đến một giai đoạn dài chìm trong khủng hoảng. Tuy vậy, những cải cách của họ đã mang lại hiệu quả trong những năm gần đây và nhiều khách hàng trung thành của Dell vẫn mong chờ ngày hãng lấy lại được vị thế ngày nào trong quá khứ.