nhnn191515621-1628582482-600x400-width698height391-1628587653.jpg

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 11/2021/TT-NHNN, thay thế Thông tư 02/2013 về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD). Đồng thời, cơ quan này cũng đang lấy ý kiến với đề nghị xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của TCTD. Đồng thời, việc sửa đổi bổ sung Thông tư 01 và Thông tư 03 về cơ cấu nợ cũng đang được xem xét. 

Những bước đi này cho thấy NHNN đang đẩy tích cực hoàn thiện và cập nhật các văn bản pháp lý tạo điều kiện để các ngân hàng xử lý nợ xấu tiềm ẩn nếu có trong tương lai, trong bối cảnh dịch bệnh chưa chấm dứt.

Siết chặt quy định về phân loại nợ

Với Thông tư 11, NHNN bổ sung phạm vi điều chỉnh quy định yêu cầu các ngân hàng phân loại, trích lập dự phòng rủi ro đối với tài sản có phát sinh từ các hoạt động: mua, bán nợ; mua bán lại trái phiếu chính phủ trên thị trường chứng khoán, mua có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các ngân hàng; mua hẳn kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do TCTD khác phát hành trong nước. 

Đồng thời, thông tư mới quy định đối tượng áp dụng là tất cả TCTD bao gồm ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng phi ngân hàng, trừ TCTD đang được kiểm soát đặc biệt. 

Thông tư mới cũng sửa đổi các khái niệm về dự phòng cụ thể, dự phòng chung, nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, bổ sung khái niệm nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Dự thảo cũng điều chỉnh nguyên tắc tự phân loại với các khoản nợ cấp tín dụng hợp vốn, với nợ đã bán, ủy thác cấp tín dụng, với nợ đã mua... Tần suất phân loại nợ và trích lập dự phòng được tăng từ “tối thiểu hàng quý” lên “tối thiểu hàng tháng”, điều này cho phép ngân hàng xử lý sự suy giảm chất lượng tín dụng tích cực hơn và sớm hơn.

NHNN quy định rõ hơn về phân loại nợ và xử lý nợ xấu. Ảnh: B.L

NHNN quy định rõ hơn về phân loại nợ và xử lý nợ xấu. Ảnh: B.L

Ngoài ra, sau thời gian tối thiểu 5 năm, từ ngày sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và sau khi đã thực hiện tất cả các biện pháp để thu hồi nợ nhưng không thu hồi được, TCTD được quy định xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng.

Nhìn chung, theo Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI – SSI Research, thông tư này đưa ra khung pháp lý chặt chẽ hơn để phân loại nợ và trích lập dự phòng. 

Gỡ khó xử lý tài sản đảm bảo

Với dự thảo về luật xử lý nợ xấu, NHNN nhận định trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu, tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam, gây tác động tiêu cực đến thu nhập của các cá nhân, hộ gia đình và các doanh nghiệp. Điều này dẫn đến khả năng trả nợ của khách hàng vay suy giảm, nợ xấu của các ngân hàng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Do đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, Chính phủ báo cáo và đề xuất với Quốc hội xem xét xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các TCTD theo hướng tiếp tục kế thừa các quy định về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết số 42. Đồng thời, luật sửa đổi, bổ sung một số quy định mà thực tiễn triển khai trong thời gian qua gặp khó khăn, vướng mắc. 

Dự thảo lấy ý kiến đề xuất sửa đổi quy định về việc thu giữ tài sản bảo đảm theo hướng ngân hàng có quyền thu giữ tài sản đảm bảo cho khoản nợ xấu mà không cần phải có thỏa thuận về việc bên nhận bảo đảm đồng ý cho ngân hàng có quyền thu giữ tài sản đảm bảo trong hợp đồng bảo đảm, bổ sung quy định về việc hoàn trả tài sản đảm bảo là tang vật của các vụ việc hành chính... 

Nguồn: SSI Research.

Một số điểm mới và thay đổi giữa 2 thông tư. Nguồn: SSI Research.

Việc xây dựng luật về xử lý nợ xấu là một trong những ý kiến được nhiều chuyên gia đồng tình và đề xuất. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng Nghị quyết 42 chỉ là thí điểm, thời hạn có hiệu lực ngắn 5 năm, không áp dụng để xử lý cho toàn bộ nợ xấu của TCTD. Mặt khác, nợ xấu luôn tồn tại song song với hoạt động cho vay của các TCTD.

Trong dài hạn, việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, khi đó lĩnh vực xử lý nợ xấu sẽ có văn bản luật riêng để điều chỉnh, các quy định xử lý nợ xấu sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, giúp cho ngành ngân hàng và các cơ quan Nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.

Cùng quan điểm, chuyên gia Cấn Văn Lực cũng từng đề xuất xem xét luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan.

Tiếp tục điều chỉnh Thông tư 01 và 03

Gần đây, Hiệp hội ngân hàng họp trực tuyến với các TCTD, tổng hợp và đưa ra đề xuất về việc điều chỉnh Thông tư 01 và Thông tư 03 về cơ cấu nợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh. 

Hai điểm nổi bật được hiệp hội đề xuất. Thứ nhất là NHNN xem xét cho phép không căn cứ vào số lần cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 khi thực hiện phân loại lại để xác định số tiền dự phòng cụa thể trích bổ sung. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ các khoản giải ngân sau ngày 10/6/2020 hoặc xem xét không quy định thời gian phát sinh nợ trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính, mà chỉ quy định về thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi để đảm bảo chủ động, linh hoạt trong thực hiện (trong trường hợp dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp sau thời điểm 31/12/2021.

Thứ hai là NHNN xem xét điều chỉnh kéo dài thời hạn trích lập bổ sung có thể 5 năm và giảm tỷ lệ phân bổ trích lập dự phòng rủi ro để giảm áp lực tài chính cho các TCTD giúp có thêm nguồn lực vừa phát triển kinh doanh, vừa triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng hiệu quả hơn. Về khoản nợ được miễn, giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 mang tính đặc thù, trong trường hợp khách hàng đã trả đầy đủ nợ sau khi được miễn, giảm lãi theo Thông tư 03, NHNN cho phép TCTD không phải thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo nợ nhóm 3 như quy định tại Thông tư 02

Trước thực trạng này, trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết NHNN điều chỉnh Thông tư 01, Thông tư 03 theo hướng rõ ràng hơn cả về thời điểm được cơ cấu cũng như kéo dài thời hạn được phép cơ cấu các khoản nợ cho các doanh nghiệp. Chính sách mới phù hợp với thực trạng, từng đối tượng, loại hình, ngành nghề doanh nghiệp khác nhau để đưa ra mức độ cơ cấu phù hợp.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú. Ảnh: SBV.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú. Ảnh: SBV.

Theo Phó Thống đốc, khi điều chỉnh chính sách này, NHNN muốn tính đến câu chuyện dài hơi hơn, không chỉ giảm bớt khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp trong thời điểm giãn cách. Mà cả khi kết thúc giãn cách, doanh nghiệp có điều kiện để nhanh chóng phục hồi cùng với nền kinh tế. Chính vì thế, NHNN sẽ sửa lại hoặc ban hành thông tư mới thay thế nhằm tạo sự rõ ràng, chủ động hơn, đồng thời khẳng định sự quyết liệt hỗ trợ DN, nền kinh tế của ngành Ngân hàng trong thời gian tới.

Phó Thống đốc cũng đề cập việc kéo dài cơ cấu nợ dù tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng sẽ gây áp lực đến nguồn lực tài chính của các NHTM. Do vậy, thời gian tới, những văn bản tháo gỡ khó khăn thông qua cơ cấu, tỷ lệ trích lập dự phòng… phải phù hợp đảm bảo hài hoà lợi ích chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng cũng không để cho các NHTM bị giảm sút năng lực tài chính. Từ đó, không ảnh hưởng đến sự ổn định của từng TCTD cũng như hệ thống ngân hàng trong tương lai cả ngắn hạn và trung hạn.