Nổi tiếng trong giới kinh doanh địa ốc với những dự án hạng sang như: The 9 Stellars, The Metropole, The Nassim, Gateway Thảo Điền, và Serenity Sky Villas… nhưng Sơn Kim Land cũng nổi tiếng không kém với những lùm xùm kiện tụng, nợ đìa và các lô trái phiếu giá trị lớn với lãi suất cao.

Lùm xùm kiện tụng

Năm 2016, Sơn Kim Land liên tục được nhắc đến với vụ tranh chấp liên quan đến đền bù giải tỏa hàng trăm m2 đất thuộc dự án Gateway Thảo Điền. Lần đầu tiên tại TP.HCM có 1 dự án được rao bán, được thi công, trong khi chưa hoàn tất đền bù giải tỏa.

gateway-1719281263.jpg

Vụ kiện “một thập kỷ” mang tên Gateway Thảo Điền giúp tên tuổi của Tập đoàn Sơn Kim Land của đại gia Nguyễn Hoàng Tuấn nổi tiếng trong giới kinh doanh địa ốc.

Cụ thể, vụ việc bắt đầu từ việc UBND Q.2 (nay là TP.Thủ Đức) ra  quyết định số 13672/QĐ-UBND-TNMT ngày 15/1/2010 thu hồi 675,7m2 đất của bà Nguyễn Thị Trường giao cho Công ty Sơn Kim thực hiện dự án Gateway Thảo Điền. Theo bà Trường, đây là dự án thương mại nên chủ đầu tư Sơn Kim phải thương lượng thỏa thuận bồi thường đất, nhưng UBND Q.2 thời điểm đó lại ra quyết định buộc gia đình bà phải giao đất cho chủ đầu tư với giá bồi thường chỉ hơn 2,2 tỷ đồng.

Sau khi khiếu nại không có kết quả, ngày 15-9-2010, bà Trường đã khởi kiện ra tòa để giải quyết. 

Năm 2016, TAND Q.2 mới đưa vụ việc ra xét xử, quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của gia đình bà Trường, tuyên hủy quyết định thu hồi đất số 13672/QĐ-UBND do UBND Q.2 ban hành. Bản án sau đó bị UBND Q.2 và Công ty Sơn Kim cùng kháng cáo.

Ngày 14-9-2017, TAND TPHCM đã chấp nhận kháng cáo của UBND Q.2 và Công ty Sơn Kim, tuyên không hủy quyết định thu hồi đất. Không đồng tình với phán quyết của tòa, bà Trường và các con kháng nghị lên TAND tối cao.

Ngày 2-5-2019, Chánh án TAND tối cao đã ra Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND TPHCM vì cho rằng có nhiều sai phạm. Ngày 6-8-2019, Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM đã ra bản án Giám đốc thẩm cho rằng việc UBND Q.2 thu hồi đất là không đúng nên tuyên hủy toàn bộ bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM, yêu cầu xét xử lại theo quy định.

skland-giaithuong-1719281452.jpg

Năm 2016 dù vướng lùm xùm kiện tụng tại vụ án Gateway Thảo Điền nhưng ông Nguyễn Hoàng Tuấn và Tập đoàn Sơn Kim Land liên tục được vinh danh ở những giải thưởng quốc tế.

Theo bản án giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM, Ủy ban thẩm phán cho việc thu hồi 675,5m2 đất để thực hiện dự án do Công ty Sơn Kim làm chủ đầu tư là dự án kinh doanh, không phải là dự án phát triển kinh tế do Nhà nước làm chủ đầu tư, dự án này không thuộc một trong các trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Như vậy, việc UBND Q.2 ra quyết định thu hồi đất của người dân giao cho Công ty Sơn Kim là không đúng. 

Do vướng tranh chấp, kiện tụng nói trên nên đến nay dù dự án Gateway Thảo Điền đã bàn giao cho cư dân vào ở nhưng Sơn Kim Land vẫn không thể ra sổ cho khách hàng.

Sau vụ việc nổi tiếng mang tên Gateway Thảo Điền, Sơn Kim Land còn khá nổi với dự án The Nassim. Năm 2016, dự án The Nassim, do liên doanh của Sơn Kim Land và Hongkong Land đầu tư, lại bị người dân phản ánh về việc để xe chở vật liệu ra vào công trường phá nát đường số 11, thuộc phường Thảo Điền, quận 2. 

Tiếp nối vụ lùm xùm của 2 dự án tại quận 2, dự án gần nhất dính lùm xùm là Serenity Sky Vilas (quận 3) do Sơn Kim Land phát triển lại dính lùm xùm khi rao bán căn hộ chưa được đủ điều kiện huy động vốn.

Nợ khủng

Đến thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Sơn Kim Land lên đến hơn 8.800 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn chiếm đến 72% trong đó khoản phải thu về cho vay hơn 4.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng tài sản.

Phần lớn tài sản của SonKim Land được tài trợ bằng nguồn vốn nợ do doanh nghiệp này đã âm vốn chủ sở hữu 3 năm liên tiếp dù vốn điều lệ ở mức gần 739 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2023, tổng nợ phải trả của SonKim Land lên đến hơn 9.250 tỷ đồng, tăng 125% so với đầu năm, chủ yếu đến từ phải trả ngắn hạn khác và đặc biệt là nợ vay tài chính dài hạn.

tuan-son-1719281739.jpg

Gia tộc Sơn Kim do bà Nguyễn Thị Sơn sáng lập và chủ tịch Nguyễn Hoàng Tuấn điều hành.

Thời điểm 31-12-2023, SonKim Land vay nợ dài hạn đến hơn 5.000 tỷ đồng, tăng khoảng 3.000 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm quá nửa tổng tài sản. Nợ vay lớn khiến doanh nghiệp này phải gánh chi phí lãi vay lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Thực tế, lợi nhuận gộp năm 2023 của SonKim Land không đủ để bù đắp khoản chi phí này chưa kể đến các chi phí hoạt động khác. Son Kim Land vẫn thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính hơn 450 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng cũng chỉ ở mức 89 tỷ đồng, tương đương khoảng 1/10 so với năm 2022. Nguyên nhân là do doanh thu thuần và doanh thu tài chính đều sụt giảm mạnh.

Dù kết quả kinh doanh năm 2023 sụt giảm mạnh nhưng 2021 mới là năm bết bát nhất của SonKim Land. Doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thấp nhất trong nhiều năm với 282 tỷ đồng và lỗ kỷ lục hơn 2.200 tỷ trong năm 2021. Khoản lỗ này chính là nguyên nhân khiến SonKim Land đến cuối năm 2023 vẫn còn lỗ luỹ kế hơn 1.300 tỷ đồng.

HOÀNG THỊNH

Kỳ 2: Sở hữu lòng vòng, phát hành trái phiếu khủng với lãi suất cao và có dấu hiệu liên quan đến Vạn Thịnh Phát