Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ để thị trường được thông suốt /// Ảnh: Ngọc Thắng

Mới 6 giờ sáng, tôi giật mình tỉnh giấc bởi một hồi chuông điện thoại. Một anh bạn học cũ, gọi với giọng thảng thốt: "Ông biết gì chưa, Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia Thao túng tiền tệ đó. Toi rồi, dậy mà lo đặt lệnh bán cho hết mấy cái trứng ung của ông đi, sập bây giờ". Đang còn mơ ngủ, mãi một lúc mới định hình được, tôi thủng thẳng bảo: "Vậy ông có biết thế nào là Thao túng tiền tệ, ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế hay chứng khoán không". Ông bạn tôi bảo, không cần biết, nghe chữ "thao túng" là ghê lắm rồi, chắc chắn sập, cứ lo chạy thôi.

Tôi chắc rằng, rất ít người hiểu được bản chất của cụm từ Thao túng tiền tệ - Currency manipulation. Đạo luật Cạnh tranh và ngoại thương do Mỹ ban hành năm 1988 với mục đích sau khi phân tích chính sách tỷ giá của các nước, sẽ điều chỉnh cán cân thanh toán trong thương mại quốc tế. Tiếp đó vào năm 2015, Mỹ tiếp tục chỉnh sửa và đưa ra bộ luật mới. Đạo luật này đưa ra 3 tiêu chí để nhận diện một quốc gia bị cho là thao túng tiền tệ:

- Có thặng dư thương mại song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD.

- Thặng dư cán cân tài khoản vãng lai tương đương 2% GDP nước đó.

- Can thiệp 1 phía (mua hoặc bán ròng) và kéo dài trên thị trường ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng, với tổng lượng mua ròng ít nhất 2% GDP.

Ở trường hợp của Việt Nam, xuất khẩu của chúng ta luôn gấp 3 lần nhập khẩu trong quan hệ song phương với Mỹ. Con số tuyệt đối năm 2019 là 45 tỷ USD. Như vậy tiêu chí thứ nhất Việt Nam luôn nằm trong đó. Quan trọng hơn là tiêu chí thứ ba. Việt nam là nước thu hút nguồn vốn FDI rất lớn, chỉ tính 11 tháng năm 2020, bất chấp dịch bệnh, chúng ta vẫn đạt con số trên 26 tỷ USD. Đương nhiên nguồn vốn thu hút bằng ngoại tệ, thì phải cung tiền đồng bằng cách đứng ra mua ròng USD. Dự trữ ngoại hối năm 2019 của VN là 64 tỷ USD, dự kiến năm 2020 "các bác" sẽ nâng lên 100 tỷ, tức là mua ròng 36 tỷ, tương đương 15% GDP, quá xa so với tiêu chí 2% của anh Mẽo kia. Như vậy, Việt Nam thỏa mãn 2 trong 3 tiêu chí của Đạo luật 2015. Nhưng việc thỏa mãn các tiêu chí này chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải giải trình cho "hợp tai", thì anh bạn Mẽo kia có thể bỏ qua, không đưa vào danh sách đen.

Việc bộ Công thương Việt Nam đã đưa các số liệu, hợp tác giải trình trong suốt 3 tháng qua, đã không đạt kết quả tốt. Mỹ đã chính thức liệt Việt nam vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ. Nhưng việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào? Đầu tiên có thể sẽ ảnh hưởng đến chính sách Thuế quan. Các doanh nghiệp xuất khẩu mạnh vào thị trường Mỹ trong tương lai xa, có thể sẽ bị áp thuế. Trước mắt, nhóm hàng Lốp xe từ Việt Nam khả năng sẽ bị áp thuế đặc biệt. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nhóm cao su thiên nhiên. Tiếp đến có thể sẽ là những động thái để cân bằng thặng dư thương mại xuất nhập khẩu. Điều này không hẳn chỉ là tiêu cực, mà cũng có ý nghĩa tích cực khi VN sẽ nhập khẩu nhiều hơn hàng hóa từ Mỹ.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất là thời hạn của những đợt review như thế này chỉ là 6 tháng. Nếu 6 tháng sau, phía các anh Mẽo nhận ra thiện chí của Việt nam trong việc khắc phục, các anh ấy sẽ dỡ bỏ. Bên cạnh đó, nếu lợi ích của quan hệ thương mại song phương được đẩy lên, thì kể cả có đủ 3 tiêu chí, nhưng vẫn không nằm trong dnah sách là chuyện bình thường. Nhất là khi một số nhà máy, công xưởng của Mỹ đang có sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, thì vai trò của VN được nâng lên.

Dẫu biết rằng, mọi thông tin đều có những tác động nhất định vào TTCK. Nhưng vẫn nên bình tâm suy xét, cẩn trọng trong hành xử, đặc biệt liên quan đến đầu tư. Việc TTCK bị bán tháo một vài thời điểm như sáng nay chỉ là tâm lý nhất thời. Xu hướng tăng trưởng, tiến lên vùng 1200-1500 trong năm 2021 gần như không thể bẻ gãy. Những đợt điều chỉnh hay rung lắc có thể biến thành cơ hôi cho việc cơ cấu danh mục, tìm kiếm những mã đầu tư yêu thích. Nếu vững vàng được như vậy, thành công sẽ đến với chúng ta.

(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Tiến sỹ Nguyễn Hồng Điệp - CEO tại CTCP Tư Vấn Đầu Tư S-Talk)