Bên cạnh đó, các số liệu tích cực của kinh tế Mỹ càng làm cho giới đầu tư tin rằng kỷ nguyên "tiền rẻ" sắp đi đến hồi kết. Một khi tiền "không còn rẻ", con ngáo ộp lạm phát có thể sẽ quay trở lại. Vậy những lập luận trên có thuyết phục hay không? Tôi xin đưa ra quan điểm cá nhân như sau:
1. Lạm phát xảy đến từ 2 nguyên do: một là cung tiền đột biến, hai là thiếu hụt hàng hóa. Về vấn đề cung tiền, hay nói cách khác, tiền rẻ được "bơm" ra. FED đã liên tục chấn an nhà đầu tư rằng dù Covid đã phần nào được khống chế, nhưng kinh tế mới chỉ trong quá trình phục hồi ban đầu. Chính sách tung tiền cứu trợ nền kinh tế thông qua các gói QE kiểu mới vẫn sẽ được tiếp tục ít nhất trong 6 tháng tới. Theo nhận định của FED, lạm phát mục tiêu vẫn còn xa mới đạt. Cho nên "tiền rẻ" vẫn là chính sách chủ đạo, chưa thể thay đổi. Điều thứ hai là cung hàng. Hàng hóa dù đã tăng lên so với đáy, nhưng nhu cầu vẫn còn rất thấp. Một khi cầu thấp, việc thiếu hụt là không thể xảy ra. Như vậy, lạm phát chưa thể là mối nguy hiểm trong vòng 1 năm tới. Việc thị trường đang phản ứng trước cũng là lẽ thường tình. Chứng khoán Mỹ cũng bầy đàn không kém Việt Nam, cũng tạo sóng. Cho nên nếu ngay tối nay hay vài ngày tới, thị trường chứng khoán Mỹ lại "trở cờ" tăng tiếp, tôi cũng sẽ không ngạc nhiên.
2. Trong nước thì sao? Lợi suất trái phiếu chính phủ vẫn không hề tăng, Chính phủ Việt Nam vẫn kiên trì áp dụng chính sách giảm lãi suất trong năm 2021. Lưu thông hàng hóa vẫn còn rất khó khăn, giá cả dù có nhích lên, nhưng còn xa mới quay trở lại trước dịch. Thường từ đáy đi lên, có cảm giác phần trăm tăng rất cao, nhưng con số tuyệt đối vẫn rất an toàn. Có thể giá xăng tăng làm lo ngại đôi chút về chi phí doanh nghiệp, nhưng ngược lại, đất nước lại hưởng lợi từ nguồn thu giá dầu thô. Gần như chắc chắn, lạm phát năm 2021 dù có tăng trở lại, nhưng vẫn chỉ ở tối đa 5%. Như vậy, tiền rẻ vẫn còn.
3. Trong tháng 4/2021, chúng ta sẽ thấy rõ bức tranh của sự phục hồi kinh tế Việt Nam. GDP sẽ tăng như thế nào? Lợi nhuận Quí 1 của doanh nghiệp sẽ cải thiện ra sao? Đó là những con số thực tế, không thể chối cãi về sự phục hồi kinh tế của đất nước chúng ta. Vacxin đã về, sẽ tiếp tục về. Đó là điều tốt hay xấu? Dù như vậy, nhưng không có nghĩa là NHNN sẽ rút tiền về. Chắc chắn lãi suất sẽ tiếp tục giảm, dư địa để làm điều này vẫn còn.
4. Thị trường chứng khoán bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau, nhưng quan trọng nhất là Dòng tiền, Nội tại DN và Tâm lý thị trường. Dòng tiền mới vẫn rất dồi dào. Theo như điều tra của cá nhân tôi, hiện tình hình Margin ở các công ty chứng khoán đang dư thừa. Tiền cho vay thoải mái. Còn về kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thì đang rất triển vọng. Đặc biệt là các lĩnh vực như Thép, Vận tải biển, Xuất khẩu và khối nhà băng. Còn tâm lý yếu của chứng khoán Việt là không thể phủ nhận, nhưng thời gian và thị trường là những người Thầy tuyệt vời nhất, tâm lý sẽ được rèn luyện, tri thức và bản lĩnh sẽ được nâng cao.
5. Nghẽn lệnh là lý do bất khả kháng, chúng ta không thể can thiệp hay thay đổi một sớm một chiều được. Nhưng chắc chắn những nhà quản lý sau những phút giây sân si, hơi nóng nảy, họ sẽ nhìn lại và sẽ thay đổi. Tôi luôn tin vào dù thế nào chăng nữa, bản chất họ cũng là những con người tâm huyết. Họ sẽ đứng về phía nhà đầu tư, bảo vệ và giúp chúng ta. Tôi tin là sẽ có giải pháp tạm thời để giảm bớt nghẽn lệnh.
Rõ ràng, những hành vi trên thị trường luôn có những thời điểm mang tính tức thời và ngắn hạn. Dài hạn chứng khoán vẫn là kênh đầu tư tốt, kỳ vọng vượt đỉnh trong năm 2021 vẫn đủ đầy. Những yếu tố lo ngại về tiền hết rẻ, lo ngại về hệ thống, cũng chỉ là một phần của cuộc chơi. Việc nên làm của nhà đầu tư là quản trị rủi ro thật tốt, tìm kiếm cơ hội đầu tư, tích lũy cổ phiếu với giá hiện tại, để chờ đón gặt hái thành quả trong tương lai. Giao dịch đôi lúc nên chậm lại, đó không hẳn là sợ hãi hay thận trọng. Mà đó là một thay đổi cần thiết để hướng đến thành công.
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Tiến sỹ Nguyễn Hồng Điệp - CEO tại CTCP Tư Vấn Đầu Tư S-Talk)
Hoặc