Bất động sản cuối năm 2020: Phục hồi hay xuống đáy? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Tại hội thảo về bất động sản Việt Nam 2020-2021 mới đây, Ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết, Hiệp hội ghi nhận nhiều dự án được hấp thụ lên đến 90%. Ví dụ tại TP HCM, các dự án có giá bán 40 triệu đồng mỗi m2 chỉ trong 2-3 tháng đã tiêu thụ đến 95%.

Điều này có nghĩa thị trường vẫn hoạt động tốt dù có ảnh hưởng của đợt dịch đầu năm. Ông Đính nhận xét, thị trường bất động sản có thể không gặp khủng hoảng. Những khó khăn của thị trường thường này đến từ những yếu tố bên ngoài chứ không phải bên trong.

Trong đó, ông lưu ý đến việc cầu thị trường lớn nhưng phía cung đang gặp vấn đề. Nguyên nhân là nhiều dự án tại các đô thị lớn đang phải dừng để thanh kiểm tra cũng như hạn chế phát triển tại các địa phương. "Mỗi địa phương có khoảng 20-30 dự án dừng triển khai, còn ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM con số có thể lên đến hàng trăm", ông nói.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC.

Liên quan đến khan hiếm nguồn cung, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC chỉ rõ vấn đề nằm ở các quy trình, thủ tục pháp lý.

Theo ông, khi đầu tư một khu đô thị, thực hiện từ thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, đến xây hạ tầng... mất ít nhất 3-4 năm mới đưa sản phẩm ra được thị trường. Dự án có quy mô một ha hay 1.000 ha, quy trình, thủ tục cũng tương đương. Nhưng quãng thời gian 3 năm này chỉ đúng với các doanh nghiệp lớn, có lợi thế về dòng tiền và hệ thống đầu tư bài bản. Doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa rất khó theo được quy trình hiện nay.

Ông Quyết dự báo, từ nay đến 2021, con số dự án được đưa ra thị trường sẽ rất nhỏ. Tính đến tháng 7, tại TP HCM chỉ 10 dự án đủ điều kiện được bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Tại Hà Nội, con số này là 31. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, lượng cung căn hộ tại Hà Nội trong quý II giảm 21,3% so với quý I. Còn tại TP HCM, mức giảm lên đến 40% so với quý trước và 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Qua hai làn sóng Covid-19, tôi vẫn chưa thấy dấu hiệu khủng hoảng hay giảm giá, bán phá giá nào cả", ông nói và nhấn mạnh FLC chưa bán phá giá dự án nào.

Là đơn vị tham gia phân phối, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Think Big Group cho biết, thị trường bất động sản thứ cấp đang mua bán rất sôi động. Theo ông, dù biết được "sở thích" của nhà đầu tư là dự án có đầy đủ giấy tờ pháp lý nhưng các nhà phân phối không tìm được sản phẩm để bán. "Cuộc khủng hoảng hiện nay là thiếu nguồn cung khi không có sản phẩm thực sự tốt để cung cấp cho thị trường", ông chia sẻ.

Do tình trạng thiếu hụt nguồn cung, báo cáo gần đây của Công ty cổ phần chứng khoán SSI dự báo giá bất động sản dân cư tại Hà Nội sẽ tăng 2-3%, TP HCM tăng 7-10% trong năm 2020. Sang năm 2021, giá tăng tiếp ở hai thị trường lần lượt là 1-2% và 5-7%.

Còn số liệu từ Bộ Xây dựng đầu tháng 8 cho thấy, trong quý II, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tăng 0,16% so với quý I, giá nhà riêng lẻ tăng 0,01%. Ở TP HCM, các mức tăng lần lượt là 0,25% và 0,15%.