Chủ tịch Nhựa Tiền Phong Đặng Quốc Dũng: “Tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ”
Năm 2019, Nhựa Tiền Phong đạt kết quả tăng trưởng cao so với giai đoạn chững lại của 2 năm trước đó. Đây hẳn là tín hiệu đáng mừng, thưa ông?
Năm 2019 là một năm kinh doanh rất thành công với Nhựa Tiền Phong, với doanh thu hợp nhất gần 4.800 tỷ đồng, tăng 5,95% (tương ứng tăng 268,8 tỷ đồng); lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 471,2 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2018. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh sức ép cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt.
Tại thị trường phía Nam, năm 2019, CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam (Tiền Phong Nam) cũng đạt doanh thu gần 1.200 tỷ đồng, với lợi nhuận gần 100 tỷ đồng.
Ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong: "Sau 30 năm kể từ ngày thành lập (19/5/1960), năm 1990, Nhựa Tiền Phong quyết định chia tay với những sản phẩm truyền thống và bắt tay vào sản xuất ống nhựa uPVC, HDPE, PPR để phục vụ cho các công trình xây dựng. Thời điểm đó, Nhựa Tiền Phong đã chọn chia tay (chứ không phải từ bỏ) quá khứ để sống đúng thực tại. Chính nhờ quyết định chiến lược ấy mới có “Nhựa Tiền Phong luôn tiên phong” của ngày hôm nay, xứng đáng là cánh chim đầu đàn trong ngành ống nhựa xây dựng Việt Nam. Điều này cho thấy, tương lai không bao giờ là cái bóng từ quá khứ, mà phải bằng những hành động trong hiện tại và hướng tới tương lai”.
Khép lại năm 2019, doanh thu của Nhựa Tiền Phong trên cả 3 khu vực Bắc - Trung - Nam đạt khoảng 6.000 tỷ đồng, chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu cho các ngành xây dựng dân dụng, phát triển hạ tầng cấp thoát nước, giao thông đô thị…
Gần đây nhất, Nhựa Tiền Phong đã tiến vào ngành nuôi trồng thủy sản. Cuối năm 2018, chúng tôi đã ký hợp tác toàn diện với Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú để cung cấp ống dẫn nước biển nuôi tôm theo mô hình mới. Trong năm 2019,
Một điểm nhấn nữa khi nói về kết quả kinh doanh năm 2019 của Nhựa Tiền Phong chính là nợ phải trả giảm mạnh từ 2.623,7 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm xuống còn 1.984,9 tỷ đồng. Theo đó, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm từ mức 1,16% vào cuối năm 2018 xuống còn 0,77% vào cuối năm 2019 và tỷ lệ nợ/tổng tài sản đã giảm xuống dưới 0,5%. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu tiếp tục tăng, từ 2.252,5 tỷ đồng lên 2.567,4 tỷ đồng.
Điều này cho thấy, sau một thời gian dài tập trung đầu tư mở rộng quy mô, đổi mới dây chuyền sản xuất thì bắt đầu tư năm 2018, 2019 trở về sau sẽ là thời gian Nhựa Tiền Phong được hưởng “trái ngọt”.
Và ngay tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày hôm qua (18/5/2020), HĐQT Công ty đã trình mức cổ tức năm 2019 là 20% vốn điều lệ bằng tiền mặt và được thông qua. Mức dự kiến của năm 2020 cũng tương đương như năm 2019.
Cộng đồng vẫn nói vui “vượt sướng khó hơn vượt khổ”. Với Nhựa Tiền Phong, bước tiếp trên nền thành công, ông sẽ tiếp tục lãnh đạo Công ty như thế nào để thành công hơn nữa?
Năm 1990, khi quyết định thay đổi chính mình, Nhựa Tiền Phong đối mặt trước thử thách rất lớn, tồn tại hoặc biến mất trước sức ép cạnh tranh của thời kỳ Đổi mới.
Còn hiện tại, mọi thứ đều đang rất thuận lợi với Công ty, nhưng trong kinh doanh, không nói trước được điều gì. Sự cạnh tranh thì luôn có và luôn thay đổi với nhiều hình dạng. Vậy nên Nhựa Tiền Phong chưa bao giờ có tâm lý thoả mãn. Chúng tôi luôn vận động trong chính nội tại của mình. Sự vận động đó không phải như “tắc kè hoa đổi màu”, mà phải là sự xoay quanh mục tiêu và định hướng đã được Công ty đề ra, để định danh thương hiệu cho cả một chặng đường dài.
Không thể vì cạnh tranh hạ giá thành của các doanh nghiệp cùng lĩnh vực mà Nhựa Tiền Phong cũng hạ giá thành sản phẩm xuống đáy, kéo theo đó là chất lượng cũng sẽ phải giảm sút. Nhựa Tiền Phong chọn cách chăm sóc tốt quyền lợi cho hệ thống các nhà phân phối để họ yên tâm là người đồng hành cùng đại gia đình Nhựa Tiền Phong.
Chúng tôi chọn cách làm mình trọn vẹn hơn thông qua việc đầu tư công nghệ, dây chuyền, thậm chí hợp tác với đối tác hàng đầu thế giới trong ngành ống nhựa xây dựng là Tập đoàn Sekisui - Nhật Bản, Tập đoàn Iplex - New Zealand để cải tiến sản phẩm, tạo ra các sản phẩm mới hướng tới sự tiện lợi và tối đa giá trị sử dụng cho người dùng.
Nhựa Tiền Phong không chỉ củng cố vững chắc vị trí đầu ngành mà còn ghi thêm những mốc son mới về hiệu quả kinh doanh.
Không ồn ào trong việc mua bán, sáp nhập, nhưng Nhựa Tiền Phong vẫn tìm được hướng đi phù hợp để có mối lương duyên mới với Tập đoàn Sekisui. Theo ông, việc này giúp gia tăng giá trị gì cho Nhựa Tiền Phong?
Thời điểm 2011-2012, Tập đoàn Sekisui đã đầu tư ở một số nước trong Đông Nam Á nhưng không khả thi và họ quyết định chọn Việt Nam vì tiềm năng rất lớn. Cái bắt tay đầu tiên của chúng tôi với Sekisui đã diễn ra từ năm 2013, lúc đó tôi đang là thành viên HĐQT Nhựa Tiền Phong, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Tiền Phong Nam.
Sau đó, họ Nam tiến và chọn Tiền Phong Nam để bàn chuyện hợp tác. Lúc này, sức ép cạnh tranh đang ngày càng lớn, đặc biệt là thị trường miền Nam, đã đòi hỏi Nhựa Tiền Phong phải gia tăng hơn nữa chất lượng và ưu thế vượt trội của mình. Sự hợp tác với Sekisui sẽ đáp ứng cho những mong mỏi đó. Cái bắt tay thứ hai được thực hiện ở một tầm cao mới đã diễn ra vào tháng 7/2017 - Tập đoàn Sekisui đã trở thành cổ đông chiến lược của Tiền Phong Nam khi nắm giữ đến 25% cổ phần.
Cũng ngay sau đó, khi Công ty TNHH Nawaplastic Industries (Thái Lan) muốn thoái toàn bộ vốn tại Nhựa Tiền Phong, tôi cùng Ban lãnh đạo Nhựa Tiền Phong khi đó đàm phán với đối tác Thái Lan và Tập đoàn Sekisui để lên phương án cho việc mua lại cổ phần. Nhờ sự hợp tác tốt được xây dựng từ trước đó với nhà đầu tư Thái, sự chuyển giao đã diễn ra tốt đẹp. Đến tháng 10/2017, Sekisui đã sở hữu 15% cổ phiếu của Nhựa Tiền Phong và trở thành đối tác ngoại mới tại Nhựa Tiền Phong. Còn Nawaplastic Industries và Nhựa Tiên Phong cũng tiếp tục một mối lương duyên mới - đối tác kinh doanh và trở thành những người bạn lớn trong ngành.
Nhưng đằng sau tất cả những cuộc chuyển giao này, điều tôi cũng như Ban lãnh đạo Nhựa Tiền Phong tự hào nhất - đó là giữ lại thành công thương hiệu Việt cho người Việt. Đó còn là niềm tự hào của hơn 4.000 cán bộ, công nhân viên của Nhựa Tiền Phong trong suốt 60 năm qua và cho cả tương lai. Nhờ đó, tôi hay các thế hệ lãnh đạo kế cận sau này sẽ tiếp tục gìn giữ, chăm chút cho thương hiệu Việt của ngành nhựa Việt Nam ngày càng lớn mạnh.
Tham vọng của tôi không phải là vấn đề lợi nhuận bao nhiêu mà tôi có thể cùng Nhựa Tiền Phong xây dựng thương hiệu Việt của ngành Nhựa lớn đến đâu. Điều này cũng đã được tôi khẳng định một lần nữa trước toàn thể cổ đông của Công ty tại kỳ họp Đại hội đồng Cổ đông thường niên 2020 ngày hôm qua.
Nhựa Tiền Phong đang hướng đến mô hình Tập đoàn cho chặng đường phát triển mới.
Quả bóng bàn, dép nhựa trắng... đã là dấu ấn đẹp với nhiều người tiêu dùng Việt. Vậy nhìn về tương lai, Nhựa Tiền Phong sẽ chọn cho mình con đường thế nào, thưa ông?
Nhiều doanh nghiệp quy mô trong Top đầu của nền kinh tế Việt Nam đã và đang có những bước đi lớn trong một vài năm trở lại đây, đặc biệt là trong năm 2019 như: lấn sân sang lĩnh vực mới, thu hẹp ngành nghề kinh doanh để tập trung cho lĩnh vực mũi nhọn, chủ động lên sàn chứng khoán, hoặc rút về với mô hình công ty gia đình… Tất cả đều là sự linh hoạt điều chỉnh chính mình để đảm bảo cho định hướng chiến lược dài hơi được thực hiện thành công trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.
Nhựa Tiền Phong trong năm vừa qua cũng đã thực hiện nhiều điều chỉnh lớn trong quản trị doanh nghiệp, ra mắt những sản phẩm mới,… Trong giai đoạn phát triển mới, bên cạnh tệp khách hàng truyền thống thì ba nhóm khách hàng trong các lĩnh vực gồm công trình giao thông, công trình điện và ngành thuỷ sản là ba trục kinh doanh mới và chủ lực của Nhựa Tiền Phong. Cơ hội và thách thức luôn hiện hữu, nhưng Nhựa Tiền Phong luôn trong tâm thế sẵn sàng để đón nhận, biến những thách thức thành động lực để lớn mạnh. Và trong chặng đường đó, Nhựa Tiền Phong sẽ luôn hướng về cộng đồng, đồng hành và phục vụ cộng đồng trong chiến lược phát triển bền vững của mình.
Hoặc