Khi nhà đầu tư nhỏ lẻ bị... 'ra rìa'

Thay vì HOSE nghĩ ra giải pháp để nâng cấp hệ thống khi thực tiễn đã có nhiều thay đổi, khối lượng giao dịch ngày một lớn (trước đây, ngày cao điểm trên sàn HOSE thanh khoản chừng 7.000 tỷ đồng; nhưng từ khi lãi suất ngân hàng giảm do dịch bệnh Covid-19 xảy ra nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã gia nhập thị trường chứng khoán nên thanh khoản hằng ngày tại sàn HOSE là trên dưới 15.000 tỷ đồng) thì HOSE đưa ra giải pháp nâng lô chẵn lên 1.000 cổ phiếu để giảm nghẽn hệ thống.

Theo tôi, việc đề xuất HOSE nâng lô chẵn lên 1.000 cổ phiếu thể hiện tư duy lười biếng, chỉ giải quyết phần ngọn mà chưa phải là liệu thuốc trị bệnh triệt để, thể hiện sự thiếu trách nhiệm với nhà đầu tư và có thể dẫn đến cắt dòng chảy sôi động của thị trường chứng khoán. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, nếu HOSE không nghĩ ra giải pháp kỹ thuật để nâng cấp hệ thống thì chuyện nâng lô chẵn từ 10 lên 100, từ 100 lên 1.000 chỉ là điều vô nghĩa. Bởi lẽ, hiện tại tính thanh khoản của HOSE dưới 20.000 tỷ đồng/ngày vậy mai sau thanh khoản lên 30.000 tỷ đồng, 40.000 tỷ đồng hoặc một con số lớn hơn thì HOSE lại nâng lô chẵn lên thành 10.000, 100.000 hay sao?

Thứ hai, tính thanh khoản ngày một cao, điều đó có nghĩa phí giao dịch mà HOSE thu về càng lớn. Do đó, HOSE phải có trách nhiệm lấy nguồn phí thu về để nâng cấp hệ thống, hệ thống có hoạt động thông suốt thì HOSE mới thu thêm nhiều phí. Việc đề xuất nâng lô chẵn lên 1.000 nhằm hạn chế nghẽn lệnh của HOSE chẳng khác gì “chỉ biết ăn mà không chịu làm”, thiếu trách nhiệm với nhà đầu tư, bắt nhà đầu tư phải chi ra nhiều tiền hơn.

Thứ ba, nhiều sàn giao dịch chứng khoán trên thế giới đã áp dụng lô chẵn là 1.000, nhưng đó là câu chuyện của 5 năm trước đây. Giờ họ đã đưa lô chẵn xuống 100, 10 và thậm chí có đề xuất đưa về 1 để thu hút thêm nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường chứng khoán. Việc đề xuất nâng lô chẵn lên 1.000 trên HOSE là đi ngược với xu hướng phát triển của thời đại, và có thể dẫn đến cắt dòng chảy sôi động của thì trường chứng khoán, loại bỏ các nhà đầu tư nhỏ lẻ ra khỏi thị trường chứng khoán (những nhà đầu tư với số vốn hạn hẹp vài chục triệu đồng, thậm chí vài triệu đồng).

Ví dụ: Trước đây, A chỉ cần hơn 1 triệu đồng đã có thể đầu tư vào VNM, VIC, VJC, MWG… nhưng giờ lô chẵn nâng lên 100 thì số tiền A cần có để đầu tư vào các mã trên phải tăng gấp 10 lần, nếu lô chẵn nâng lên 1.000 thì số tiền mà A cần có để đầu tư các mã ấy phải lên gấp 100 lần (hơn 100 triệu đồng). Như vậy, những người có số tiền dưới 100 triệu thì khó mà bước chân vào thị trường chứng khoán để sở hữu những cổ phiếu chất lượng. Khi đó, chứng khoán chỉ là sân chơi của người giàu, cơ hội làm giàu từ chứng khoán của các nhà đầu tư nhỏ coi như bị HOSE tước đoạt vì nâng lô chẵn lên 1.000.

Thông qua đây, tôi mong rằng các vị lãnh đạo của HOSE cần lắng nghe, thấu hiểu và nhanh chóng tìm ra giải pháp tránh nghẽn lệnh giao dịch một cách triệt để, thay vì nâng lô chẵn lên 1.000; đó là lương tâm, tránh nhiệm của HOSE với nhà đầu tư.

(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Luật sư Phạm Thanh Hữu - Đoàn Luật sư Tp.HCM)