Chọn mặt Delori để gửi vàng nhằm thực hiện giấc mơ Mỹ
Nhớ lại những ngày đầu tiên tìm "visa" cho sữa Việt vào Mỹ, bác sĩ Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood cho biết đó là khoảng thời gian không thể quên, gần như đã huy động mọi nguồn lực tốt nhất, tâm huyết nhất cho dự án.
Công ty đầu tư dây chuyền mới hơn một triệu USD, mất 2 năm làm việc với FDA Hoa Kỳ để kiểm định quy trình, sản phẩm; nghiên cứu công thức, tìm khẩu vị phù hợp người dùng.
NutiFood chọn Delori làm đối tác để xuất khẩu sang Mỹ, mở rộng thị trường nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh
Đại diện NutiFood cho biết sau nhiều năm hợp tác làm ăn, một số đối tác nước ngoài có đặt vấn đề nhập khẩu sản phẩm của đơn vị, trong đó có Delori. Đây cũng một trong những nhà nhập khẩu hàng đầu về các loại nước giải khát probiotic, sữa chua cho Mỹ.
Ông Jaime Brown, Chủ tịch Công ty thực phẩm Delori cho biết, khi tìm hiểu về mặt hàng sữa, những dòng sản phẩm dinh dưỡng để mở rộng phân phối, ông ấn tượng với NutiFood. Bởi sữa đặc trị cho trẻ biếng ăn, thấp còi rất có tiềm năng kinh doanh tại Mỹ.
"NutiFood lọt vào tầm ngắm vì giữ thị phần số một trong thị trường sữa đặc trị Việt Nam, với hàng loạt sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận như GrowPlus+ suy dinh dưỡng, NutiFit cho trẻ béo phì, Pedia Plus cho trẻ biếng ăn...", ông Jaime Brown nói.
Kết quả, sau 2 năm đàm phán với đối tác Delori đồng thời làm việc với tổ chức FDA Hoa Kỳ, sản phẩm của NutiFood được tổ chức kiểm nghiệm độc lập Michelson Laboratories (Mỹ) cấp giấy chứng nhận, nhà máy đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của FDA, người tiêu dùng Mỹ phản hồi tích cực.
Theo thỏa thuận giữa 2 bên, mỗi tháng Delori nhập ít nhất 42 container sữa bột pha sẵn (một container khoảng 2.200 thùng). Phía NutiFood đặt mục tiêu doanh thu xuất khẩu tại thị trường Mỹ đạt 100 triệu USD trong 5 năm tới.
Theo đó, ngoài thị trường Mỹ, NutiFood đang tăng cường xuất khẩu sang Philippines, Myanmar, Lào, Campuchia, Trung Quốc. Riêng tại Philippines, ở phân khúc sữa dành cho người bệnh, Enplus của NutiFood đang đứng thứ ba thị trường, với doanh thu khoảng một triệu USD một năm.
Hợp tác với Backahill mở nhà máy 20 triệu USD tại Thụy Điển
Cũng trong năm 2019, bước tiến thứ hai để thực hiện chiến lược quốc tế của NutiFood được thực hiện bằng việc hợp tác với Backahill mở nhà máy có giá trị lên đến 20 triệu USD (hơn 400 tỷ đồng) tại Thụy Điển.
Liên doanh giữa NutiFood, tập đoàn Backahill và hợp tác xã nông trại chăn nuôi bò sữa Skånemejerier Ekonomisk Förening đã công bố vận hành nhà máy sữa NutiFood Sweden AB. Sự kiện đánh dấu lần đầu tiên có một doanh nghiệp sữa lớn của Việt Nam đầu tư vào Thụy Điển.
Với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, NutiFood ký kết với Backahill mở nhà máy NutiFood Sweden AB tại Thụy Điển để nâng chất lượng các sản phẩm của công ty làm bàn đạp để đưa sản phẩm vào Mỹ và châu Âu
Nhà máy NutiFood Sweden AB giai đoạn một có giá trị đầu tư gần 20 triệu USD, trong đó doanh nghiệp sữa Việt sở hữu 50% vốn, tổng công suất 15.000 tấn mỗi năm gồm 5.000 tấn sữa bột công thức cho trẻ sơ sinh và 10.000 tấn bột dinh dưỡng cho trẻ em. Sản phẩm chế biến thành bột ăn dặm, cháo, sữa bột organic cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhà máy còn sản xuất các dòng sữa công thức, cháo và bột ăn dặm organic từ sữa dê.
NutiFood Sweden AB đặt tại Bjuv, miền Nam Thụy Điển, nơi được mệnh danh là vùng nông nghiệp tốt nhất Bắc Âu với khoảng 2.500 nông trại đạt chuẩn organic. Thụy Điển cũng là quốc gia có chất lượng sữa organic tốt hàng đầu thế giới, là một trong ba quốc gia xếp đầu các nước châu Âu gần như không sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.
"Nguồn nước cho bò uống sạch đến nỗi người có thể uống được. Thụy Điển là một trong ba quốc gia sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi thấp nhất và có điều kiện khí hậu tự nhiên tốt để phát triển chăn nuôi gia súc", Ông Trần Thanh Hải, chủ tịch NutiFood chia sẻ.
Tỷ phú Erick Paulsson, đại diện Backahill cho biết tập đoàn chọn hợp tác cùng NutiFood do đội ngũ sáng lập là chuyên gia dinh dưỡng, nhiều năm kinh nghiệm sản xuất sữa và chế phẩm từ sữa, đồng thời xuất khẩu sang nhiều quốc gia.
"Chúng tôi rất ấn tượng khi đối tác Việt Nam đã có chứng chỉ FDA (Mỹ) với những điều kiện hết sức khắt khe. Chúng tôi cũng đánh giá cao những hoạt động vì cộng đồng và nỗ lực của NutiFood nhằm bảo vệ môi trường. Năng lực tài chính dồi dào của đối tác cũng là lý do để Backahill lựa chọn", ông Erick Paulsson nói với truyền thông.
Hợp tác chiến lược với với ông lớn Asahi, Nhật Bản nằm trong chuỗi chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng ngành hàng
Liên tiếp lần thứ 3 trong năm 2019, NutiFood lập một “cú ăn ba” khi tiếp tục ký kết hợp tác với tập đoàn lớn nhất nhì Nhật Bản là Asahi để đưa sản phẩm sữa nhập về Việt Nam.
Theo đó, liên doanh Asahi NutiFood với tỷ lệ góp vốn 50/50 giữa Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng NutiFood với Asahi Group Foods – thành viên của tập đoàn Asahi (Nhật Bản).
Ông Shoyama Katsuo, Chủ tịch Asahi Group Foods (trái) và ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Trần Thanh Hải, NutiFood tại lễ ký kết hợp tác trong năm 2019, lần thứ 3 trong năm NutiFood mở rộng quy mô
Đại diện hai bên liên doanh khẳng định việc hợp tác sẽ tận dụng thế mạnh của nhau, NutiFood với bề dày nghiên cứu về tình trạng dinh dưỡng trẻ em Việt Nam và kênh phân phối đã được thiết lập vững chắc tại thị trường nội địa.
Trong khi đó, Asahi là thương hiệu có bề dày 113 năm trong lĩnh vực dinh dưỡng cho trẻ em và và mẹ sơ sinh, hiện đang sở hữu thương hiệu thức ăn cho trẻ em số 1 tại Nhật Bản Wakodo và có mặt tại khoảng 70 thị trường trên toàn cầu.
“Việt Nam là thị trường tiềm năng với khoảng 1,8 triệu trẻ em được sinh ra mỗi năm, gần gấp đôi tại Nhật. Sự phát triển kinh tế vượt bậc đang làm thay đổi lối sống cũng như môi trường xã hội bên ngoài gia đình, nên chúng tôi muốn liên doanh với một công ty am hiểu về dinh dưỡng trẻ em địa phương để sản phẩm của mình xuất hiện rộng rãi ở đây,” ông Shoyama Katsuo, Chủ tịch Asahi Group Foods cho biết.
Lý do Asahi một ông lớn tại Nhật Bản chọn NutiFood hợp tác được người đứng đầu chia sẻ: Chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ và chọn NutiFood bởi đây là công ty có điểm tương đồng với Asahi về lịch sử hình thành thương hiệu khởi đầu từ những dược sĩ và bác sĩ, đồng thời đang dẫn đầu thị phần về sản phẩm sữa đặc trị và sữa dinh dưỡng pha sẵn cho trẻ em.
Như vậy là ở trong nước, NutiFood cũng thực hiện những bước đi vững chắc: đầu tư vào vùng nguyên liệu khi hợp tác với HAGL nuôi bò sữa để tiến hành sản xuất sản phẩm. Bên cạnh đó, thâu tóm cà phê Phước An với vùng trồng lên cả ngàn ha để chuẩn bị cho bước tiến mở rộng và tiến hành vào ngành cà phê.
Trong hợp tác quốc tế, NutiFood đã có những bước hợp tác mang tính chiến lược và bước đầu đã tiến được vào thị trường khó tính nhất là Mỹ.
Việc đã dạng hóa sản phẩm, mở rộng ngành hàng và vươn ra toàn cầu nhằm mục đích gia tăng sức mạnh để cạnh tranh và gia tăng doanh số.
NutiFood còn có những chiến lược gì? Họ thực hiện việc khẳng định mình trong mảng mới cà phê như thế nào? Liệu NutiFood có thành công hay không, CafeBusiness sẽ tiếp tục thông tin ở kỳ kế tiếp.
Kỳ 3: Xây dựng thương hiệu cà phê Ông Bầu, tận dụng vùng trồng nguyên liệu của HAGL và Phước An cùng với giá trị vô hình thương hiệu đội bóng HAGL, NutiFood sẽ đánh bại những gã khổng lồ trong ngành cà phê tại thị trường nội địa?
Hoặc