Trải qua 30 năm, với mong muốn xây dựng một siêu thị văn minh hiện địa nhưng vẫn mang tính chất chợ truyền thống thân thiện với người tiêu dùng, năm 1996, Saigon Co.op lần đầu tiên cho ra mắt siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh.

Trong đó, mảng bán lẻ mang về nguồn thu lớn nhất với hệ thống hơn 110 siêu thị Co.opMart, hơn 350 cửa hàng Co.op Food, 128 cửa hàng Co.op, gần 70 cửa hàng Co.op Smile, 22 cửa hàng Cheers và 4 đại siêu thị Co.op Extra.

Ngoài ra, Saigon Co.op sở hữu 4 trung tâm thương mại Sense City ở Cần Thơ, Cà Mau, Bến Tre và TP.HCM; cửa hàng Bến Thành bên trong chợ Bến Thành và liên doanh với Mapletree (Singapore) triển khai trung tâm thương mại SC Vivo City (quận 7, TP.HCM).

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn hoạt động trong lĩnh vực đầu tư với công ty con SCID và mảng xuất nhập khẩu, phân phối các sản phẩm dầu gội, sữa tắm, thực phẩm, bút viết thông qua công ty SCD.

HTX Linh Tây góp đến 952,5 tỷ đồng vào Saigon Co.op dù kinh doanh bết bát và thua lỗ

Đồng thời, Saigon Co.op sở hữu thương hiệu Xuân Hồng chuyên sản xuất nông sản thực phẩm và Công ty TNHH thực phẩm quốc tế Nam Dương (liên doanh với Tập đoàn Wilmar) chuyên sản xuất các sản phẩm nước tương, tương ớt, sốt.

Từ năm 2014 đến 2019, doanh thu thuần tính riêng của Saigon Co.op tăng trưởng đều đặn 14-24% mỗi năm từ 10.790 tỷ đồng lên 23.440 tỷ đồng. Hiệu quả kinh doanh cũng được cải thiện khi tỷ suất lợi nhuận gộp tăng dần từ 5% vào năm 2014 lên 9% năm 2019.

Số liệu của riêng công ty mẹ Saigon Co.op cho thấy, kể từ năm 2015 đến nay, đều duy trì lợi nhuận trên 1.000 tỷ/năm. Đây là con số lợi nhuận đáng mơ ước trong ngành bán lẻ khi Lotte Mart vẫn đang thua lỗ, Aeon Mall lợi nhuận chỉ vài trăm tỷ, Vinmart, Bách Hóa Xanh, vẫn đang đi tìm điểm hòa vốn.

Hiệu suất trên mỗi cửa hàng của hệ thống Saigon Co.op cũng vượt trội hơn so với các đối thủ, mặc dù chỉ hơn 800 cửa hàng, trung tâm thương mại, siêu thị song doanh thu của Saigon Co.op vẫn vượt trội hơn Vinmart (với hơn 1.700 điểm bán và hệ thống siêu thị), và bỏ rất xa so với Bách Hóa Xanh.

Tuy nhiên, trong lần tăng vốn gần nhất với ý đồ thâu tóm Saigon Co.op, cái giá mà đế chế bán lẻ này được định là quá thấp.

Theo kết luận của thanh tra TP.HCM, tại đại hội thành viên bất thường lần 1 ngày 30/1/2020 đã đưa ra nghị quyết thống nhất tăng vốn điều lệ từ 3.200 tỷ đồng lên hơn 6.797 tỷ đồng, theo phương án huy động vốn từ các thành viên.

Và chỉ cần bỏ ra gần 3.600 tỷ nhóm nhà đầu tư mới có thể đã sở hữu hơn 50% vốn Saigon Coop.

Một điểm lạ lùng nữa là: trong 20 HTX tăng vốn vào Saigon Co.op, 6 HTX kinh doanh không hiệu quả trong năm gần nhất. Cụ thể, HTX TMDV Linh Tây lỗ gần 49 triệu đồng năm 2019 nhưng góp hơn 952,5 tỷ đồng, HTX TM Thị Nghè lỗ hơn 163,6 triệu đồng góp 244,55 tỷ đồng, HTX TM Cầu Kinh lỗ gần 106 triệu đồng cũng góp gần 3 tỷ đồng.

Central Group phải bỏ ra cả tỷ USD để mua lại hệ thống Nguyễn Kim, trong khi Saigon Co.op chỉ được định giá hơn 6000 tỷ đồng để phục vụ cho ý đồ thâu tóm của một nhóm người

Tuy nhiên, trong 2 lần làm việc vừa qua, các HTX không cung cấp cho đoàn thanh tra các hồ sơ được yêu cầu để làm rõ nguồn vốn góp.

Thành tra TP.HCM nhận định, có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Saigon Co.op được hình thành từ khi thành lập đến nay, xâm phạm quyền sở hữu tài sản chung và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TP nói riêng và cả nước nói chung. Việc làm này có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Thanh tra TP.HCM kết luận, sai phạm nêu trên được cho là thuộc trách nhiệm của HĐQT Liên hiệp HTX, Thành viên Liên hiệp HTX, ban tổng giám đốc và người đứng đầu được xác định là ông Diệp Dũng, Chủ tịch Saigon Co.op.