Trong khi đó, một nhân vật khác được cho là có quan hệ thân thiết với nhóm Nguyễn Bá Dương là Đặng Hoài Nam, thành viên BKS Coteccons được cho là “quả bom” ngầm trong đợt tố cáo mới đây với lãnh đạo Coteccons.

Khả năng ông Nguyễn Bá Dương rời khỏi Coteccons ngày càng rõ ràng.

Người cũ của Coteccons tố thẳng lãnh đạo

Ông Luis Fernando Garcia Agraz, Trưởng BKS Conteccons gửi đơn kiến nghị vào ngày 5/6/2020 cáo buộc: ban điều hành Coteccons đã cắt xén, chỉnh sửa sai sự thật trong báo cáo của BKS, thậm chí là trái ngược với báo cáo gốc của BKS.

Vào ngày 5/5/2020, BKS đã gửi lên HĐQT báo cáo thường niên nhưng vào ngày 29/5/2020, ông Nguyễn Sỹ Công, Tổng giám đốc Coteccons đã ký công bố thông tin về Báo cáo thường niên năm 2019, trong đó phần báo cáo của BKS hoàn toàn khác với bản báo cáo do chính BKS soạn thảo.

Ngoài ra, báo cáo của Trưởng Ban kiểm soát Coteccons còn tố ban lãnh đạo Conteccons đã cắt xén, chỉnh sửa 8 nội dung trong báo cáo của BKS để không công bố cho cổ đông….

Thậm chí vào ngày 18/3/2020, theo giấy ủy quyền số 5221/2019/UQ-CTHĐQT của Chủ tịch HĐQT, Công ty luật Lê Nguyễn ra thông báo không công nhận vai trò của 2 thành viên BKS là ông Luis Fernando Garcia Agraz và ông Đặng Hoài Nam. Đây là sự vi phạm và cản trở hoạt động của BKS, theo đơn kiến nghị.

Ông Nguyễn Bá Dương là chủ đề chính của truyền thông trong thời gian gần đây với mâu thuẫn ngày càng căng thẳng với nhóm cổ đông chiến lược Kusto

Theo thông tin chúng tôi có được, ông Đặng Hoài Nam là một thành viên được nhóm Nguyễn Bá Dương tin tưởng.

Ông Nam đã gắn bó với Coteccons đến 20 năm lần lượt với các vị trí: kế toán viên cho FDC, Cotec, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Uy Nam (tiền thân của Unicons), Trưởng Ban Tài chính, Trưởng Phòng Tổng hợp, Trưởng Ban Pháp chế của Coteccons. Ông giữ vai trò ở BKS Coteccons nhiệm kỳ 2017 – 2022.

Mặc dù, không đứng tên trên đơn kiến nghị, nhưng khi lá đơn được phát đi ông Nam đã vắng mặt ở Coteccons và bán phần lớn cổ phiếu của mình tại Coteccons. Theo báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của “người nội bộ” Đặng Hoài Nam cho thấy, ông đã bán 50.000 cổ phiếu trong tổng số 89.648 cổ phiếu của mình. Thời gian thực hiện giao dịch: từ ngày 05/05/2020 đến ngày 25/05/2020. Sau giao dịch này ông Nam còn giữ 39.648 cổ phiếu.

Đây có lẽ là một đòn “chí mạng” dành cho ông Dương trong cuộc chiến khốc liệt với Kusto khi người được cho là “thân cận” lại trở giáo với mình.

Ông Dương và nhóm của ông sẽ đi đâu nếu buộc phải rời Coteccons

Ricons là cái tên đầu tiên được nhắc đến khi liên quan đến nhóm Nguyễn Bá Dương. Đây cũng là khởi nguồn trong mâu thuẫn giữa nhóm Kusto và nhóm Nguyễn Bá Dương.

Theo TCBC được phát đi ngày 2 tháng 6 năm 2020, nội dung mà Kusto đề cập và nhấn mạnh là: “Thứ nhất, các lãnh đạo cấp cao của Coteccons quyết định chọn công ty nào đấu thầu cho dự án nào khi họ đồng thời quản lý cả hai công ty cạnh tranh trực tiếp với nhau? Thứ hai, các lãnh đạo cấp cao của Coteccons và Ricons quyết định phân bổ lợi nhuận cho từng bên như thế nào trong các hợp đồng giữa hai bên?”

Như vậy có thể thấy được Ricons có quan hệ “gần gũi” và được xem là bãi đáp an toàn cho nhóm ông Dương. Tuy nhiên, trên thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Hiện tại nhóm của ông Dương chỉ sở hữu 14,3% cổ phần tại Ricons. Trong khi đó, các quỹ ngoại đã sở hữu đến 15% cổ phần của Ricons.

Ricons là cái tên được nhiều người nhắc đến và được cho là nguyên nhân mâu thuẫn giữa nhóm Kusto và ông Nguyễn Bá Dương

Cái tên thứ hai cũng được đánh giá là nhiều khả năng để nhóm ông Dương cập bến chính là Newteccons, tiền thân là xây dựng FDC.

Cụ thể, ông Nguyễn Bá Dương, hiện đang là chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật của Coteccons nhưng đồng thời lại là cổ đông sáng lập của Newtecons, với tỷ lệ sở hữu lên đến 49%.

Năm 2017, FDC từ nhà thầu phụ bắt đầu đảm nhiệm vai trò nhà thầu chính dự án Flamingo Đại Lải và tham gia thi công siêu dự án quốc tế Casino Nam Hội An. Đây cũng là năm Newtecons ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về mặt doanh thu, đạt 2.700 tỷ đồng, gấp 6 lần năm 2014 và gấp 3 lần năm trước đó.

Tất cả những thành tích đó đều có dấu ấn của ông Nguyễn Bá Dương.

Một cái tên khác mặc dù không có dính dáng với ông Nguyễn Bá Dương và nhóm của ông nhưng theo giới thạo tin “sân sau ngầm” chính là Central Cons.

Được thành lập vào tháng 6/2017, Central Cons nhanh chóng được biết đến như một nhân tố mới đầy triển vọng ở thị trường xây dựng. Điều này được thể hiện qua việc Central Cons liên tục trúng thầu các dự án lớn. Khá trùng hợp, đó cũng là những khách hàng truyền thống của Conteccons như: Vingroup, SSG Group, Phát Đạt, REE, TTG Holding và Thế Giới Di Động...

Gần 1 năm sau khi ra đời, Central Cons đã sở hữu trong tay hơn 500 nhân sự là kỹ sư, kiến trúc sư chất lượng đến từ các tập đoàn, công ty xây dựng hàng đầu Việt Nam cùng hơn 6.000 công nhân đang làm việc tại 22 dự án lớn nhỏ, với tổng giá trị hợp đồng đã ký lên đến 5.000 tỷ đồng.

Central Cons do ông Trần Quang Tuấn, nguyên Phó tổng giám đốc và cũng là một trong những cổ đông sáng lập Coteccons sáng lập và điều hành.

Quá trình phát triển của Central Cons giống với cách làm của ông Nguyễn Bá Dương cách đây 16 năm. Khi đó, vào tháng 12/1994, ông Dương là Phó giám đốc Xí nghiệp xây dựng và trang trí nội thất của Descon. Đến tháng 6/1999, ông Dương làm Giám đốc Xí nghiệp xây dựng số 1 của Descon. Tháng 3/2000, ông Dương là Phó giám đốc Công ty Xây dựng Descon.

Ông Trần Quang Tuấn (ngồi giữa, hàng đầu) nguyên Phó tổng Coteccons và là nhà sáng lập Central Cons với những nhân sự chủ chốt từ Coteccons, giống hệt cách mà ông Nguyễn Bá Dương ngày đầu xây dựng Coteccons 

Vào tháng 5/2000, ông Dương nghỉ việc ở Descon và lập ra Coteccons. Đến 6/2002, ông Dương làm Phó giám đốc kiêm Giám đốc khối xây lắp của Coteccons. Từ tháng 8/2004 đến nay, ông Dương giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Coteccons.

Hồi năm 2002, khi chuyển từ Descon sang Coteccons, khoảng 2/3 nhân sự Descon đã đi theo ông Nguyễn Bá Dương tới một công ty chưa có gì. Dù lúc đó, Descon là công ty có tên tuổi trong làng xây dựng còn Coteccons chỉ mới là một công ty mới được thành lập vài tháng.

Lúc đó, ông Trần Quang Tuấn, người vừa lập Central Cons cũng từng bỏ vị trí chỉ huy phó của Descon hồi năm 2002 để đi theo ông Dương.

Giờ đây, lịch sử đã lặp lại khi người cũ của Coteccons là ông Trần Quang Tuấn đã ra lập Central Cons, rất mới nhưng bứt phá rất nhanh trên thị trường xây dựng Việt Nam. Phần lớn nhân sự của Central Cons hiện tại đều là người cũ của Coteccons, giống như 16 năm trước ông Dương lập Coteccons từ nền tảng nhân sự của Descon.

Tất cả những thông tin trên cho thấy, có khả năng, Newtecons chỉ là “đòn nghi binh” của nhóm ông Dương. Central Cons mới thực sự là bến đỗ của Nguyễn Bá Dương khi ông buộc phải rời chiến thuyền Coteccons, công ty xây dựng số 1 Việt Nam.

Kỳ 8: Nhân vật bí ẩn, không sở hữu bất kì cổ phần nào, nhưng có thể tác động đến sự ra đi hay ở lại của ông Nguyễn Bá Dương trong cuộc chiến tại Coteccons là ai?