Cách đây 2 ngày, tôi có thực hiện một cuộc khảo sát trên FB từ friend list. Câu hỏi tôi đặt ra khá đơn giản "Bạn có nghĩ Vn-index sẽ vượt 1200 trong quí 1/2021". Kết quả là đến giờ phút này, có gần 1500 lượt xem, 400 người tham gia trả lời. Có hơn 50 người trả lời "Không", 350 người trả lời "Có". Như vậy tỷ lệ tin tưởng Vn-index sẽ vượt 1200 là 87%, còn 13% không tin vào điều này sẽ xảy đến trong quí 1/2021. Dù chỉ là một cuộc khảo sát bạn bè, mang tính chưa đại diện cho thị trường, nhưng đa số bạn của tôi đều liên quan đến chứng khoán, cho nên tỷ lệ 87/13 cũng nói lên nhiều điều.
Trong câu hỏi khảo sát, tôi chưa giải thích rõ khái niệm vượt 1200 là như thế nào. Ở đây cần phải hiểu một cách thực chất, không phải vượt 1200 là đơn giản ấn định con số, mà phải được vượt một cách thuyết phục. Có nghĩa là về mặt điểm số, phải vượt "thật" 1200, ít nhất cũng chạm 1230-1250. Nếu có điều chỉnh thì 1200 phải đóng vai trò hỗ trợ mạnh. Còn về mặt thị trường, con số 1200 có được không đến từ việc "kéo chỉ số", mà phải có độ lan tỏa, xoay vòng theo nhóm ngành. Mặt bằng giá của cổ phiếu phải được tạo lập một cách vững chắc. Thanh khoản cũng có sự ổn định ở mức trên 13.000 tỷ / phiên.
Tôi xin đưa ra 3 động lực chính, cũng như 2 cản trở.
Về động lực:
1. "Tiền rẻ" vẫn là động lực chủ đạo trên toàn thế giới trong nửa đầu của năm 2021, thậm chí có thể kéo dài hết năm 2021. Chính sách lãi suất chưa có gì thay đổi ngay được. Lạm phát chưa có dấu hiệu nguy hiểm, ít nhất trong vòng 6 tháng tới. Xét thống kê, cứ mỗi giai đoạn đầu nhiệm kỳ của thị trường Mỹ, cũng như đầu nhiệm kỳ sau đại hội, thị trường chứng khoán luôn mang sắc xanh.
2. Định giá của chứng khoán Việt Nam vẫn đủ rẻ, đủ sức hấp dẫn cho dòng tiền tìm đến như là một cách sinh lợi nghiêm túc và bền vững. Chỉ số P/E hiện nay của thị trường chung chỉ khoảng 16-18, nếu so sánh với khu vực hiện đang thấp hơn khoảng 20%. Nhiều mã cổ phiếu như Ngân hàng, Thép, dù đã tăng khá nhiều nhưng nếu so với KQKD 2020 vừa công bố chỉ có P/E dưới 10, P/B chỉ 1.2-1.5.
3. Kỳ vọng phục hồi kinh tế: nếu lấy tăng trưởng GDP làm tiêu chí chuẩn, năm 2020 chúng ta đạt tăng trưởng dương 2.91%, thì dự báo năm 2021 ít nhất sẽ đạt tăng trưởng gấp đôi, tức trên 6.5%. Covid dù chưa thể khống chế hoàn toàn, nhưng trong Quí 1/2021 sẽ có đợt vacxin đầu tiên về Việt Nam. Chứng khoán vẫn dựa trên niềm tin, dựa trên kỳ vọng. Do đó, việc chỉ số vượt 1200 là hoàn toàn khả thi vì kỳ vọng vẫn còn.
Về lực cản:
1. Lực cản lớn nhất là "Hệ thống giao dịch". Không thể chối bỏ, né tránh hay biện hộ cho việc hệ thống giao dịch đang trở thành rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư. Quá tải, trả kết quả sai, bảng giá chậm, đang trở thành "đặc sản" của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam. Với những qui trình để đưa hệ thống mới vào, sớm nhất cũng phải Quí 4/2021 mới có thể vận hành. Vậy từ bây giờ đến lúc đó, vẫn phải "sống chung với lũ". Có một nguyên lý trong chứng khoán, lượng quyết định giá. Một khi lượng đang bị cản trở giới hạn trên, vậy liệu giá có thể vượt lên được hay không?
2. Trình độ và tâm lý của nhà đầu tư chưa kịp phát triển so với xu hướng mới. Điều đáng mừng là đội ngũ F0 ngày càng đông hơn, tiền mới ngày càng được đổ vào nhiều hơn. Nhưng đây lại cũng là điểm yếu. Sự non nớt, tâm lý sợ hãi mỗi khi rung lắc hay điều chỉnh, cộng hưởng với những hành vi "chưa đúng mực" của một số "nhà tạo lập" là các công ty chứng khoán, luôn gây ra những vết thương khá sâu cho thị trường. Nhiều khi lực cản đến chính từ tính cách "khôn lỏi" của dân Việt chúng ta.
Dựa trên số liệu và dự báo kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như HPG hay nhóm bank CTG, TCB, VPB, khả năng cao sẽ đạt tăng trưởng không dưới 20%. Như vậy, việc Vn-index vượt 1200 là phù hợp với định giá. Tuy nhiên, thời điểm vượt thật sự lại phải cân nhắc cho kỹ. Bên cạnh những động lực, luôn là những rào cản. Tuy nhiên, cá nhân tôi tin rằng những rào cản hầu hết đến từ con người, đến từ sự yếu kém và tư duy cổ hủ. Không sớm thì muộn, vấn đề này sẽ được xử lý. Bình tĩnh nhận định xu hướng, giao dịch chậm lại, là những hành động hợp lý vào lúc này. Là những nhà đầu tư, chúng tôi luôn mong mỏi thị trường phát triển, sánh ngang với các nước khác. Chỉ khi đó, chứng khoán mới có cơ hội trở thành kênh huy động vốn cho doanh nghiệp, kênh đầu tư hiệu quả cho mọi nhà.
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Tiến sỹ Nguyễn Hồng Điệp - CEO tại CTCP Tư Vấn Đầu Tư S-Talk)
Hoặc